Ngày 25/6, The NewYork Times trích dẫn một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho biết, virus cúm gia cầm chủng H7N9 sẽ có nhiều khả năng lây lan tới một số quốc gia trong khu vực châu Á trong đó có Việt Nam, Phillipnes, Ấn Độ, Bangladesh và Indonexia, sau khi đã tấn công Trung Quốc đại lục trong hơn 1 năm qua.
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí “Nature Communications” cho biết, vào tháng 3/2013, virus H7N9 lần đầu tiên được phát hiện. Kể từ đó đến nay, virus này đã làm ít nhất 367 người bị nhiễm ở Trung Quốc đại lục, trong đó 115 người đã tử vong vì loại virus này, chiếm 1/3 trong tổng số bệnh nhân bị lây nhiễm.
Theo thống kê, hai đợt bùng phát lớn nhất của virus nguy hiểm này lần lượt là từ tháng 2 đến tháng 4/2013 và từ tháng 12/2013 đến tháng 2/2014. Các nhà khoa học cho biết, mặc dù mới chỉ có Trung Quốc đại lục chịu sự tấn công của virus này, nhưng không loại trừ khả năng, virus H7N9 sẽ đe dọa lây lan đến cả khu vực. Các nhà khoa học cũng đã lập được bản đồ mô tả những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các chuyên gia cho biết, chợ gia cầm sống với chủng virus H7N9 dường như có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu này được mô tả chi tiết trên bản đồ, với gần 9000 địa điểm là chợ gia cầm sống tại Trung Quốc. Ông Marius Gillbert - tác giả của công trình nghiên cứu trên đồng thời là một học giả tại trường Đại học Tự do Bruxelle Bỉ (Université Libre de Bruxelles) cho biết, mục đích quan trọng của bản đồ này là xác định rõ khu vực nào có khả năng lây lan lớn. Thông qua quan sát ngành gia cầm và H7N9 trong năm qua điều kiện môi trường lây lan, các tác giả của nghiên cứu trên xác định đặc trưng của vùng là gì.
Tác giả chỉ rõ, bản đồ này hiển thị khu vực nguy cơ cao không nhất thiết là bị lây nhiễm H7N9, mà nó chủ yếu là để tham khảo. Nếu căn bệnh này truyền đến vùng nào, thì thị trường gia cầm sống ở khu vực đó có khả năng lây nhiễm cũng lớn như vậy. Giám đốc cơ quan thú y thuộc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) Juan Lubroth cho biết, những bản đồ này là chính phủ và tổ chức quốc tế cung cấp làm tài liệu hướng dẫn, để họ tập trung vào công việc giám sát bệnh dịch, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống đối với các vùng chưa bị lây nhiễm.
Tổ chức FAO bắt đầu tiến hành giám sát tình trạng khẩn cấp từ các vùng biên giới phía nam Trung Quốc, đồng thời hợp tác cùng chính phủ các quốc gia Việt Nam, Lào, Myanma, Campuchia, Indonexia, Nepal, Bhutan và Bangladesh. Nơi xuất hiện nguy cơ cao lây lan virus H7N9 cùng chung một hình thức kiểm tra giám sát. Ông Juan Lubroth cho biết: “Thật may mắn, qua kiểm tra, đến nay chúng tôi chưa phát hiện một thị trường gia cầm sống nào của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc có nguy cơ cao về lây nhiễm virus H7N9 này”. Ông Juan cảnh báo: “Chúng tôi cho rằng chỉ là vấn đề thời gian, theo tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục lây lan, truyền bệnh tới người, trong tương lai khả năng lây nhiễm virus H7N9 xuất hiện ở các quốc gia nói trên là tương đối cao”./.