Hơn hai tuần kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ bùng phát, mặc dù Bulgaria đã nỗ lực đưa mọi việc trở lại ổn định, nhưng lòng tin của các nhà đầu tư vào xứ Hoa hồng đã bị giáng một đòn mạnh.
Cuộc khủng hoảng ở Bulgaria bắt đầu sau khi một số đối tượng, chưa rõ vì động cơ gì, đã tung thông tin thất thiệt về tình trạng của các ngân hàng thông qua những trang mạng xã hội như Facebook và YouTube. Hành động này ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng hoang mang trong dư luận, khiến người dân đổ đi rút tiền. Hậu quả là hai ngân hàng thương mại lớn ở Bulgaria gồm Corporate Commercial Bank (KTB) và First Investment Bank (FIB) bị sụp đổ chỉ trong một tuần. Trước đó, KTB và FIB được đánh giá là ngân hàng lớn thứ 3 và thứ 4 ở Bulgaria xét theo tài sản. Trong đó, KTB có tài khoản của hầu hết các bộ và doanh nghiệp nhà nước. Ngân hàng này cũng có cổ phần tại một số tờ báo và 2 đài truyền hình kiểm soát bởi Delyan Peevski - người gửi tiền lớn nhất tại KTB, cũng như cổ phần ở nhà máy thuốc lá và công ty viễn thông lớn nhất Bulgaria.
Hiện tại, các cơ quan chức năng Bulgaria đang làm rõ nguyên nhân gây ra trận cuồng phong đối với ngành ngân hàng nước này. Một giả thuyết cho rằng vụ hoảng loạn phát sinh từ tranh chấp giữa Delyan Peevski - ông trùm truyền thông và cũng là đại biểu Quốc hội - với đối tác kinh doanh cũ của ông là nhà tài chính Tsvetan Vassilev. Khi mâu thuẫn giữa hai người gia tăng, ông Peevski rút tiền của mình ra khỏi KTB do ông Vassilev kiểm soát. Chỉ trong vòng ít ngày, khoảng 950 triệu USD (tương đương 1/5 tài sản của KTB) đã bị rút khỏi ngân hàng trước khi nó được Ngân hàng trung ương Bulgaria (BNB) kiểm soát vào ngày 20-6. Nỗi lo sợ sau đó lây lan sang FIB và khách hàng đã rút 550 triệu USD khỏi ngân hàng này.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 17 năm qua đã buộc Chính phủ Bulgaria phải mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD dành cho KTB và FIB để ổn định tình hình. Nhờ đó cổ phiếu ngành ngân hàng nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, cho đến nay, KTB vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại trong khi ngân hàng này đang cố gắng loại bỏ những vấn đề dưới sự giám sát khẩn cấp của BNB. Dù nhiều thông tin trấn an đã được phát đi, song khách hàng sẽ không tiếp cận được tiền bạc của mình cho đến khi ngân hàng mở cửa lại vào ngày 21-7.
7 năm sau khi gia nhập EU, dù đã thay đổi tới 3 đời lãnh đạo, Bulgaria vẫn là người nghèo nhất trong khối 28 nước và vẫn bị nghi ngờ về nỗ lực chống tham nhũng. Cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa qua khiến các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng kinh doanh đa quốc gia thêm lo lắng về sự ổn định của nền kinh tế này. Niềm tin đối với khả năng giám sát hệ thống tài chính đất nước của Ngân hàng trung ương Bulgaria (BNB) đang bị lung lay dữ dội. Bên cạnh đó, những bất ổn về chính trị cũng là nguy cơ kìm hãm quá trình cải cách của đất nước này. Bất chấp Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev cho biết sẽ giải tán Quốc hội vào ngày 25-7 và tổ chức cuộc bầu cử sớm ngày 5-10, song chưa chắc giải pháp này có thể dẹp yên sóng gió trên chính trường. Vì vậy, cho dù với nguyên nhân nào thì cuộc khủng hoảng bất ngờ của KTB và FIB đã làm lộ thêm nhiều mắt xích yếu trong nền kinh tế mong manh của xứ Hoa hồng.