Người khổng lồ đang “ẩn mình”

08:59, 01/07/2014

(TN)- Khi thời thế thay đổi, nhiều quốc gia cũng sửa đổi hiến pháp, đưa ra các học thuyết mới về đối ngoại và học thuyết về quân sự, quốc phòng thích ứng. Thủ tướng Nhật Bản Shin Zo Abe đang có những động thái nhằm thay đổi một số nội dung trong Hiến pháp về an ninh quốc phòng. Nếu có sự điều chỉnh về luật pháp, chắc chắn Nhật Bản sẽ là một cường quốc sản xuất và tham gia tích cực vào thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.

Nhật Bản bại trận trong chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945, đến năm 1947, Nhật Bản đã ban hành một bản Hiến pháp, tại Điều 9 có những quy định: “… nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh, không tham chiến… từ bỏ đe doạ hoặc sử dụng vũ lực làm công cụ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế… hải, lục, không quân không được duy trì, chỉ cho phép xây dựng lực lượng phòng vệ, không xây dựng lực lượng quân đội chính quy, không được triển khai lực lượng quân sự ra ngoài lãnh thổ…. 

 

Hiến pháp Nhật hình thành trong bối cảnh Nhật thất trận, thua các nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp là các liên minh chống phát xít, nên bản Hiến pháp của Nhật có nhiều nội dung do sự áp đặt của người Mỹ.

 

Theo Hiệp ước An ninh song phương Mỹ - Nhật, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Nhật khi nước này bị một nước khác tấn công. Hiệp ước này là biểu tượng tuyệt vời của hai nước vốn là kẻ thù (đã khép lại quá khứ buồn trong lịch sử) để hướng tới tương lai (Nhật không có vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ được Mỹ bảo vệ và trả đũa nếu nước nào tấn công hạt nhân Nhật Bản).

 

Bấy lâu nay người ta thường chỉ nhắc tới các cường quốc quân sự, cường quốc vũ khí như Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức, Trung quốc…Trong thực tế còn có khá nhiều quốc gia có tiềm lực về công nghệ sản xuất vũ khí rất hiện đại như Nhật Bản, Israel, Thuỵ Điển (tuy nhiên tại thời điểm này thì quy mô, số lượng không lớn)… Nhật Bản được thế giới coi là một cường quốc quân sự hùng mạnh và là nhà sản xuất vũ khí có tiềm năng cực kỳ lớn nếu nước này điều chỉnh chiến lược quân sự. Chúng ta biết rằng đã mấy chục thập niên liên tục Nhật là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đứng sau Mỹ (nay GDP đứng thứ 3). Thực lực về tài chính và nguồn lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật của Nhật Bản rất dồi dào.

 

Từ giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, Nhật đã trở thành quốc gia có quân sự hùng mạnh, đặc biệt có nhiều hạm đội hải quân thiện chiến. Trong lịch sử, hải quân Nhật đã từng đánh thắng hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga …Với các trận đánh tiêu biểu như trận Đại chiến - hải chiến Nga - Nhật năm 1905 (được coi là một trong những trận hải chiến nổi tiếng nhất thế giới) tại eo biển Tsusima (giữa Nhật và Hàn Quốc). Nhật đã đánh bại quân Nga và làm sụp đổ mục tiêu của đế quốc Nga là bành trướng vùng Viễn Đông và châu Á. Nhật thắng cuộc đã trở thành bá chủ, thống trị một vùng rộng lớn Đông Á, Mãn Châu, Triều Tiên.

 

Năm 1941, Nhật đã mở một cuộc tấn công quy mô kết hợp thuỷ quân với không quân đó là trận Trân Châu cảng làm cho nước Mỹ và cả thế giới kinh hoàng . Nhật sử dụng 6 tàu sân bay, ngoài ra còn có các loại tàu tuần dương, khu trục hạm, tàu thả mìn,  353 máy bay và nhiều tàu ngầm nhỏ, kết hợp vũ khí hiện đại với yếu tố bí mật, bất ngờ, lực lượng Nhật đã đánh chìm 4 chiến hạm, làm hỏng 4 chiến hạm, 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, 1 tàu thả mìn, 118 máy bay, trên 2.400 lính Mỹ chết, gần 1.300 lính bị thương trên tại lãnh thổ, lãnh hải Mỹ. Trong khi đó quân Nhật chỉ chết 65 người, 29 máy bay bị rơi, mất 4 tàu ngầm mi ni.

 

Theo Hiến pháp gọi là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhưng thực chất đó là một đội quân vũ trang chuyên nghiệp. Nước này nằm trong nhóm 10 cường quốc quân sự đứng đầu thế giới. Mỗi năm Nhật chi khoảng 50 tỷ USD cho quốc phòng. Hiện nay Nhật có khoảng 250 nghìn binh sĩ, 1.595 máy bay, 130 tàu chiến… Các loại tàu khu trục, tàu ngầm, xe bọc thép, máy bay, tên lửa, các phương tiện tác chiến điện tử cực kỳ hiện đại. Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng có tiềm năng khoa học kỹ thuật công nghệ xếp hàng đầu thế giới, ngang bằng Mỹ và một số nước Tây Âu, thậm chí có một số loại vũ khí Nhật Bản sản xuất có tính năng vượt trội so với vũ khí cùng chủng loại của Mỹ.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shin Zo Abe đang quá trình thực hiện dự định sửa Hiến pháp, trong đó điểm đáng chú ý là Nhật có quyền phòng ngự, phòng thủ tập thể, nghĩa là có thể đưa lực lượng vũ trang Nhật tham chiến ở nước ngoài giúp đồng minh và Nhật sẽ tăng cường sản xuất các loại vũ khí, hội nhập vào thị trường buôn bán vũ khí thế giới.

 

Nhật hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, năng lực hiện tại mỗi năm có thể sản xuất 30.000 xe tăng, 10.000 khẩu pháo, 10.000 máy bay, 13 triệu súng ống… Nếu Nhật tham gia xuất khẩu vũ khí thì các công xưởng khổng lồ sẽ được vận hành thường xuyên và khi đó Nhật sẽ là đối thủ tiềm tàng trong thị trường vũ khí công nghệ cao cạnh tranh với các cường quốc vũ khí hàng đầu thế giới (năm 2013 Mỹ xuất khẩu đạt khoảng gần 30 tỷ USD, Nga khoảng 14 tỷ USD, các nước tiếp theo là Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc).

 

Trong bối cảnh khu vực châu Á đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tranh chấp biển Hoa Đông và Biển Đông do Trung Quốc gay ra, ngoài việc thắt chặt quan hệ với Mỹ, Nhật Bản còn tăng cường quan hệ hợp tác giúp đỡ các nước Đông Nam Á. Nhật đã lên tiếng phê phán những hành vi của Trung Quốc vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển và cam kết cung cấp nhiều tàu tuần tiễu cho một số nước trong khu vực, trong năm 2014 Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 12 tàu tuần duyên hiện đại để trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này.