Nhật Bản - Triều Tiên cải thiện quan hệ

09:58, 05/07/2014

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức thông qua quyết định bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt áp đặt với Triều Tiên, đáp lại việc Bình Nhưỡng cho thấy sự nghiêm túc trong việc hợp tác giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.

Theo một thỏa thuận giữa hai bên vào cuối tháng 5 vừa qua, Triều Tiên sẽ thành lập một "Ủy ban đặc biệt" điều tra toàn diện tất cả các vấn đề liên quan đến công dân Nhật Bản bị bắt cóc, bao gồm những người hiện vẫn được cho là mất tích. Đổi lại, Tokyo sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt áp đặt với Bình Nhưỡng.

 

Ngày 4-7, thực hiện đúng thỏa thuận trên, Triều Tiên đã thành lập "Ủy ban điều tra đặc biệt". Ủy ban này sẽ bắt đầu tiến hành "điều tra toàn diện" từ ngày 4-7 đối với tất cả công dân Nhật Bản cư trú ở Triều Tiên. Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ủy ban trên nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Ủy ban Quốc phòng (NDC) của Triều Tiên để điều tra và huy động tất cả các tổ chức và cá nhân liên quan khi cần thiết. Người đứng đầu ủy ban là ông So Tae Ha -cố vấn Ủy ban Quốc phòng chịu trách nhiệm về an ninh, kiêm Thứ trưởng Bộ An ninh.

 

Theo đánh giá của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bình Nhưỡng cam kết điều tra lại những vụ mất tích của công dân Nhật Bản cho thấy nước này sẵn sàng giải quyết vấn đề kéo dài hàng chục năm này và điều đó cần được đáp lại xứng đáng. "Theo nguyên tắc hành động để hành động, chúng tôi sẽ dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt mà Nhật Bản áp đặt với Triều Tiên", ông Shinzo Abe cho biết. Theo Roi-tơ, các biện pháp được dỡ bỏ gồm lệnh cấm công dân Triều Tiên tới Nhật Bản, miễn chứng minh tài chính với số tiền cụ thể hơn 1000USD và cho phép một số tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản vì mục đích nhân đạo. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên kể từ khi đơn phương áp đặt năm 2006, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc đối thoại liên chính phủ ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 1-7 để bàn về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

 

Năm 2002, Triều Tiên từng thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản và cho biết, 8 người trong số đó đã qua đời tại Triền Tiên, 5 người khác đã được trả về Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo cho rằng, đã có 17 người Nhật Bản bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả những công dân Nhật Bản mà Tokyo cho là hiện vẫn sống tại Triều Tiên.

 

Chỉ ít giờ sau khi Nhật Bản quyết định bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Mỹ đã lập tức lên tiếng ủng hộ đồng minh thân cận ở Đông Bắc Á, với tuyên bố hoàn toàn hiểu hành động của Tokyo trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải thoát các công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

 

Trong tuyên bố ngày 3-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Jen Psaki nhấn mạnh, Chính quyền Mỹ "cảm thông với các gia đình Nhật Bản có thân nhân bị bắt cóc và cũng hiểu rõ nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề nhân đạo này". Bà Gien Pxa-ki khẳng định, quyết định nới lỏng trừng phạt Triều Tiên của Tokyo cho thấy, Nhật Bản đang theo đuổi cách thức giải quyết vụ việc một cách minh bạch, dựa trên lợi ích của các gia đình bị hại cũng như lợi ích an ninh quốc gia của các bên liên quan trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ Nhật Bản trong nỗ lực giải quyết vấn đề con tin bị bắt cóc, Chính quyền Mỹ của Tổng thống Barack Obama không quên hối thúc Tokyo tách bạch vấn đề này với vấn đề an ninh quốc gia và nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nước đối tác và đồng minh, trong đó có Nhật Bản, trong việc ngăn chặn các mối đe dọa an ninh từ chương trình hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Xơun hoan nghênh quyết định của Chính phủ Nhật Bản, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, đây là một động thái "minh bạch" và không ảnh hưởng đến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi (Hong Lei) cho rằng, việc Nhật Bản và Triều Tiên cải thiện quan hệ thông qua đàm phán sẽ đóng vai trò tích cực cho hòa bình và ổn định tại khu vực.