Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-6 đến ngày 06-7-2014)

17:09, 09/07/2014

Ngày 06-7-2014, một số thành viên trong nội các Đức đã yêu cầu Chính phủ Mỹ phải nhanh chóng đưa ra lời giải thích rõ ràng và hợp lý cho vụ một “điệp viên hai mang” vừa bị phía Đức bắt giữ vì tình nghi làm gián điệp cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Liên hợp quốc cảnh báo thực trạng lính trẻ em tại vùng chiến sự

 

Ngày 01-7-2014, trong báo cáo hằng năm, Liên hợp quốc lên tiếng cảnh báo về thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em tham gia các cuộc xung đột vũ trang. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cho biết, tính riêng năm 2013, có hơn 4.000 trẻ em được tuyển mộ vào các tổ chức vũ trang, trong khi hàng nghìn em khác tự nguyện tham gia quân đội chính phủ và các lực lượng phiến quân. Theo báo cáo, tình trạng sử dụng lính trẻ em tại các vùng chiến sự đã trở nên phổ biến trong năm vừa qua, đặc biệt tại các nước châu Phi như Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng, Xô-ma-li, Công-gô và Áp-gha-ni-xtan. Ngoài ra, sự nổi lên của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở I-rắc cũng đang đặt ra nhiều nguy cơ cho trẻ em trong khu vực.

 

Liên hợp quốc quyết định đưa 4 nhóm phiến quân tại I-rắc vào danh sách những tổ chức có hành vi tuyển mộ và sử dụng lính trẻ em, gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo I-rắc và vùng Levant, Mặt trận Jahbat al-Nusra - một nhánh của An Kê-đa, tổ chức phiến quân Hồi giáo Ahrar al-Sham và Ủy ban bảo vệ nhân dân Cuốc. Ngoài ra, nhóm khủng bố Bô-cô Ha-ram của Ni-giê-ri-a cũng bị liệt vào “danh sách đen” này. Đây là những lực lượng và tổ chức chuyên chiêu mộ, sử dụng lính trẻ em hoặc giết hại, bạo hành trẻ em hay tấn công trường học, bệnh viện... Đáng báo động là những đối tượng này thường không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Các nước phản ứng trước chính sách an ninh mới của Nhật Bản

 

Ngày 01-7-2014, Chính phủ của Thủ tướng Sin-dô A-bê quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân”. Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công.

 

Cùng ngày, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rốt (Ben Rhodes) đánh giá đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Oa-sinh-tơn và Tô-ki-ô. Theo ông B. Rốt, chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, cũng như một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nếu chưa được yêu cầu hay đồng ý, nước này sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể, đồng thời hối thúc Tô-ki-ô bảo đảm hòa bình và ổn định của khu vực. Trung Quốc cho rằng chính quyền của Thủ tướng Sin-dô A-bê cần tránh các hành động mà Bắc Kinh cho là có thể đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Quan hệ Đức - Mỹ lại dậy sóng vì do thám 

 

Ngày 06-7-2014, một số thành viên trong nội các Đức đã yêu cầu Chính phủ Mỹ phải nhanh chóng đưa ra lời giải thích rõ ràng và hợp lý cho vụ một “điệp viên hai mang” vừa bị phía Đức bắt giữ vì tình nghi làm gián điệp cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Trước đó, ngày 05-7, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thô-mát đờ Mai-di-ơ (Thomas de Maiziere) khẳng định Chính phủ Đức muốn nhận được lời giải thích nhanh chóng và rõ ràng từ Mỹ về vụ cơ quan tình báo Mỹ đã liên hệ với một nhân viên 31 tuổi của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND).

 

Theo các nguồn tin tình báo và chính trị, hiện cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều từ chối bình luận về vụ việc. Trong khi đó, nhân viên tình báo Đức thừa nhận đã chuyển các tài liệu cho một đầu mối liên lạc của Mỹ. Vụ việc đang đẩy quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Đức đứng trước những thách thức mới trong bối cảnh Béc-lin vẫn chưa quên những tiết lộ “động trời” của cựu nhân viên CIA Ét-uốt Xnâu-đơn (Edward Snowden), trong đó nói rằng NSA đã tiến hành do thám điện thoại và thu thập dữ liệu bất hợp pháp trên diện rộng đối với hàng trăm triệu người trên thế giới. Lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel), cũng không thoát khỏi bị tình báo Mỹ nghe lén./.