Trong ngày 1/7, Nội các Nhật Bản sẽ tiến hành phiên họp bất thường nhằm điều chỉnh một số giải thích về Hiến pháp, mở đường cho việc thực thi quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể. Đây được xem là những thay đổi mang tính bước ngoặt về chính sách an ninh của Nhật Bản trong thời hậu chiến.
Trong buổi thảo luận diễn ra vào sáng 1/7, Đảng Dân chủ tự do (LDP) và đối tác của họ trong liên minh cầm quyền Komeito mới đã đạt được thỏa thuận về bản dự thảo cuối cùng do Nội các Nhật Bản đưa ra về điều chỉnh một số giải thích trong Hiến pháp của nước này. Các nội dung điều chỉnh một số giải thích về Hiến pháp được đề cập tới trong bản dự thảo cho phép Nhật Bản thực thi quyền sử dụng vũ lực ở mức độ “tối thiểu cần thiết” – như là một phương thức phòng vệ khi một nước khác có quan hệ “gần gũi” với Nhật Bản bị tấn công vũ trang và phát sinh các mối “đe dọa rõ ràng” đối với cuộc sống của con người, cũng như các quyền của con người bị xâm phạm một cách cơ bản.
Phòng vệ tập thể là một đề tài nhạy cảm ở Nhật Bản, khi Tokyo bị giới hạn trong việc triển khai quân đội theo quy định điều 9 Hiến pháp, trong đó cấm nước này sử dụng vũ lực để dàn xếp các tranh chấp quốc tế. Các chính phủ trước của Nhật Bản luôn có truyền thống cho rằng, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đồng nghĩa với việc không cho phép nước này thực thi quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ.
Theo dự kiến, Nội các Nhật Bản sẽ tổ chức một phiên họp bất thường trong ngày hôm nay để chính thức thông qua quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể của nước này. Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tổ chức một cuộc họp báo để giải thích quan điểm của ông về vấn đề đang gây tranh cãi này.
Ngày 30/6, Mỹ đã chính thức lên tiếng ủng hộ Nhật Bản theo đuổi quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể và cho rằng, Tokyo có “mọi quyền” để tự trang bị cho mình những gì được cho là cần thiết. “Mỹ khuyến khích Nhật Bản thực hiện công việc này một cách minh bạch và duy trì liên hệ với các nước láng giềng về các vấn đề quan trọng này” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ./.