Không chỉ lên án các hành động sai trái của Trung Quốc, truyền thông quốc tế tiếp tục có những bài viết đề cập hành động mà các nước trong khu vực cũng như quốc tế cần làm, nhằm ngăn chặn “chiến lược bành trướng” của Trung Quốc trở thành một tiền lệ xấu trong các mối quan hệ quốc tế.
Tạp chí National Interest ngày 30/6 đăng bài viết của tác giả Harry J. Kazianis nêu rõ, Trung Quốc đang thực hiện một âm mưu điều chỉnh chiến lược ở Biển Đông, với những cách mới để củng cố vị thế của mình, như hạ đặt giàn khoan tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bất chấp làn sóng phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc tiếp tục phát hành bản đồ mới, ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh.
Theo tác giả bài báo, rõ ràng đây là cách để Trung Quốc thay đổi thực tế trên đất liền và trên biển, lái dư luận cùng nhận thức quốc tế theo quan điểm của riêng nước này.
Đặt giàn khoan trong khu vực đặc quyền kinh tế của nước khác và bây giờ là sử dụng bản đồ “tự vẽ” có thể thấy khá rõ chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trước những thách thức này thì các nước trong khu vực trong đó có ASEAN và quốc tế cần phải làm gì?
Theo tác giả Harry J. Kazianis, hành động này của Trung Quốc rõ ràng là một thách thức đối với ASEAN. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông là một mối đe dọa trực tiếp đến các quốc gia hưởng lợi từ vùng biển chung này. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn, điều này sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm.
Ông Harry J. Kazianis cho rằng, ASEAN phải phản đối hành động của Trung Quốc bằng mọi cách có thể. Các nước có thể sử dụng các biện pháp pháp lý và luật pháp quốc tế, như việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, để giải quyết các bất đồng hiện nay.
Quốc tế cũng phải có các bước đi ngăn chặn hành động này của Trung Quốc, bởi vì không ai chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục chiến lược bành trướng của mình tại các khu vực khác.
Trong bối cảnh như vậy, dư luận quốc tế cũng cho rằng, Trung Quốc phải có các bước đi để giảm căng thẳng hiện nay.
Trang tin Bloomberg của Mỹ ngày 30/6 trích lời Đại sứ Liên hợp quốc tại Guinea-Bissau và Tây Phi Jose Ramos Horta - người đã nhận giải Nobel hòa bình cho rằng, nếu Trung Quốc không chấp nhận một khung thảo luận của Liên Hợp Quốc, nước này cần tìm ra một công thức mới để các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận những quan điểm của mình.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về các Vấn đề Chiến lược Fullerton Lectuare ngày 30/6, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam cho rằng, xung đột là khó tránh khỏi khi các quốc gia có những lợi ích khác nhau. Các mối quan hệ quốc tế không phải luôn luôn được quyết định bởi sự logic và hợp lí. Tuy nhiên, các nước cần phải nhận thức được sự cần thiết của một khuôn khổ chung để tránh những rắc rối.
Ông Shanmugam nói: “Không ai muốn những vấn đề trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, các yếu tố chính trị và dân tộc của các nước được đặt trong những gì gọi là hợp lý theo các tiêu chuẩn quốc tế, như tiến tới một thỏa thuận, cho và nhận… nhiều khi không khả thi trong khuôn khổ hay quan điểm chính trị địa phương. Điều này có thể dẫn đến một sự phi lý từ một hay nhiều bên. Nhưng trong khuôn khổ chung, tôi nghĩ rằng tất cả các bên đều hiểu những gì là cần thiết và không ai muốn gặp rắc rối”.
Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh quan điểm của ASEAN là không muốn căng thẳng leo thang.
Trang tin điện tử Bussiness World của Philippines ngày 30/6 cũng đăng tải tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines, nhắc lại lập trường phản đối việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới, cho rằng bản đồ này thể hiện những tuyên bố ngày càng vô lý của Trung Quốc và rõ ràng đi trái với luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ trước đó cũng khẳng định bản đồ mới của Trung Quốc sẽ không thay đổi được thực tế hiện nay./.