Với 100% phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông.
Đặc biệt, Nghị quyết ngày 11/7 của Thượng viện Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương- 981 cùng các lực lượng hộ tống, trả lại nguyên trạng khu vực như trước ngày 1/5/2014.
Nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải, việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời tại châu Á-Thái Bình Dương, cũng như giải pháp ngoại giao, hòa bình đối với các đòi hỏi và tranh chấp biển và lãnh thổ.
Nghị quyết nêu rõ, các khu vực biển tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng biển và vùng trời giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định và an ninh trong khu vực.
Là một cường quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì sự tự do hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Nghị quyết nhấn mạnh Mỹ có lợi ích rõ ràng trong việc khuyến khích và ủng hộ các nước trong khu vực hợp tác giải quyết các bất đồng bằng con đường ngoại giao, đồng thời kịch kiệt phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Bản Nghị quyết của Thượng viện Mỹ chỉ rõ những hành động khiêu khích của Trung Quốc như đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, một hành động vi phạm Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế, gia tăng hoạt động của các cơ quan hải dương với mức độ chưa từng có tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cản trở Philipinnes tiếp cận bãi cạn Scaborough.
Nghị quyếtnêu rõ, ngày 1/5/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981với sự hộ tống của 25 tàu tại khu vực cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Từ ngày 1-9/5, số tàu hộ tống của Trung Quốc đã lên tới 80 tàu, bao gồm 7 tàu quân sự, hung hãn tuần tra và hăm dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm Công ước Quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển. Tàu Trung Quốc cố tình đâm va, sử dụng trực thăng và vòi rồng chống các tàu Việt Nam.
Trung Quốc còn thiết lập khu vực cấm đi lại trong bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương- 981, gây ảnh hưởng tới an toàn hàng hải trong khu vực và vi phạm các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam
Những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cùng những hành động hậu thuẫn cho hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, chưa được chứng thực theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), là một mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cho thấy dấu hiệu vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông.
Nghị quyết nhấn mạnh, Thượng viện Mỹ lên án các hành động cưỡng ép và đe dọa, hoặc sử dụng vũ lực nhằm cản trở sự tự do hoạt động trên không phận quốc tế, thay đổi hiện trạng hoặc gây bất ổn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nghị quyết hối thúc Chính phủ Trung Quốc ngừng thực thi Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà nước này tuyên bố tại biển Hoa Đông cũng như không áp dụng các hành động khiêu khích tương tự tại các khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương- 981 và các lực lượng trên biển liên quan khỏi các vị trí hiện nay, ngừng các hành động vi phạm Công ước Quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển và lập tức trở về nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014.
Nghị quyết tái khẳng định cam kết nhất quán và sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phản đối các đòi hỏi ảnh hưởng đến chủ quyền, sự tự do, và việc sử dụng hợp pháp vùng biển thuộc về tất cả các nước.
Nghị quyết hối thúc tất cả các bên kiềm chế can dự vào những hoạt động gây mất ổn định, bao gồm sự chiếm đóng trái phép, hoặc các nỗ lực để khẳng định một cách trái luật những đòi hỏi chủ quyền gây tranh cãi.
Thượng viện Mỹ kêu gọi đảm bảo các tranh chấp được kiểm soát mà không có sự hăm dọa, cưỡng ép, hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền làm sáng tỏ những đòi hỏi của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nghị quyết ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) cũng như ủng hộ sự phát triển của các định chế khu vực, bao gồm Diễn dàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng, để tạo dựng sự hợp tác thực chất trong khu vực và tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế.
Nghị quyết ủng hộ các bên đòi hỏi chủ quyền thực thi mọi quyền hiện có để sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình.
Thượng viện Mỹ cũng khuyến khích các bên đòi hỏi chủ quyền không thực thi những nỗ lực đơn phương mới nhằm thay đổi nguyên trạng kể từ thời điểm ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002./.