Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil tăng mạnh

08:39, 20/07/2014

Brazil là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này nửa đầu năm 2014 đang gia tăng mạnh.  

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Brazil đạt 649,65 triệu USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Brazil trong 6 tháng đầu năm 2014 là điện thoại các loại và linh kiện, trị giá 193,83 triệu USD, tăng 110,12% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31% tỷ trọng. Giày dép đứng thứ hai trong bảng xếp hạng xuất khẩu, đạt kim ngạch 139,93 triệu USD, giảm 1,53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng thủy sản, với kim ngạch đạt 61,25 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2014, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Brazil đều có mức tăng trưởng, một số mặt hàng xuất khẩu chính đều có mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm trước như: hàng dệt may đạt 31,11 triệu USD, tăng 53,11%; xơ sợi dệt các loại trị giá 28,35 triệu USD, tăng 99,55%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 16,46%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 54,82%; sản phẩm từ sắt thép tăng 39,93%; sản phẩm từ cao su tăng 33,3%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 38,61% tăng so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, có 3 mặt hàng sụt giảm mức xuất khẩu như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 20,54%; cao su giảm 24,11%; kim loại thường khác và sản phẩm giảm 92,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Brazil, Brazil là nước giàu tài nguyên, nhiều tiềm năng, quy mô thị trường lớn, có nền công nghiệp phát triển nhất Mỹ La-tinh. Một số ngành công nghiệp chủ đạo tại Brazil gồm sản xuất máy bay, ô tô và phụ tùng, máy móc và thiết bị, sắt, thép, thiếc, mía đường và cồn nhiên liệu sinh học ethanol, đồ điện gia dụng, giấy, dược phẩm, dệt may, giầy dép, hoá chất, xi măng, da nguyên phụ liệu da, giày... Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt và khai thác tốt hơn cơ hội của thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường tiềm năng này./.