Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen khẳng định: Có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến nếu thị trường lao động nước Mỹ duy trì đà tăng trưởng ổn định. Đây là một trong những nội dung trong báo cáo trình bày trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 15/7 vừa qua của FED.
Ngân hàng trung ương Mỹ cũng cho biết, sẽ tiếp tục giảm dần chương trình mua tài sản 10 tỷ USD, cùng với đà giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng lạm phát theo như dự báo của họ. Tuy nhiên, những thay đổi trên là không đáng kể so với việc hạ thấp triển vọng GDP năm 2014 của FED.
Phản ứng của thị trường
Sau báo cáo của FED tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, thị trường ngay lập tức đã có sự phản ứng. Không chỉ có đồng USD bị bán ra trên diện rộng mà lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống dưới 2,6%. Thông tin trên đã khiến Phố Wall hỗn loạn với sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên giao dịch ngày 15-16/7.
Cùng thời gian, các phiên giao dịch ở thị trường châu Á ngày 16/7 cũng biến động theo xu hướng tăng - giảm nhẹ. Bloomberg nhận định, “các nhà đầu tư đã có những thận trọng nhất định”. Trước đó, hồi tháng 2, FED cũng đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo rằng, cổ phiếu của các doanh nghiệp trên tăng mạnh sẽ không gây ra rủi ro cho hệ thống nào đối với các thị trường tài chính.
Bà Yellen thừa nhận những dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế và cho biết rằng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đang thảo luận về các công cụ để bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Theo bà Yellen cần phải có một khoảng thời gian đáng kể sau thời điểm chấm dứt gói QE3 thì việc tăng lãi suất mới được bắt đầu. “Thời gian đáng kể” được bà Yellen giải thích là không có một khuôn khổ và định lượng nào cụ thể, nó sẽ không giống như BOJ của Nhật Bản và ECB của EU. FED sẽ điều chỉnh theo chu trình “taper” (giảm dần QE3 cho đến khi về 0) và không có mong muốn thay đổi kỳ vọng của thị trường.
Trong khi đó, hầu như các nhà phân tích ngoại hối đều không mong đợi một đà bán tháo đáng kể đồng USD, khiến nó tổn thất so với đồng tiền của các ngân hàng trung ương các nước đang tìm cách thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên với những dữ liệu và chính sách tiền tệ chưa có các quyết định rõ ràng, sự ảnh hưởng của nó khó có thể lấy lại giá trị của đồng USD so với các đồng tiền khác đã được FED đưa ra trong khả năng ban hành chính sách tăng lãi suất vừa công bố mới đây.
Xem xét mức điều chỉnh
Theo khẳng định của Chủ tịch FED Janet Yellen tại buổi báo cáo Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, đang theo dõi chặt chẽ các chuyển động của nền kinh tế Mỹ để cân nhắc điều chỉnh chính sách lãi suất cơ bản - có thể là trong năm 2015.
Chủ tịch Yellen cho biết FED sẽ đưa ra quyết định khi nhận thấy thị trường việc làm tiếp tục cải thiện nhanh hơn dự báo, giúp Mỹ đạt được mục tiêu kép là vừa tạo nhiều việc làm, vừa kiềm chế lạm phát ở mức ổn định khoảng 2%. Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng như kỳ vọng, ban lãnh đạo FED sẽ xem xét đưa ra những chính sách điều chỉnh tương ứng.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Mỹ còn cho biết trong tháng 10 năm nay, thể chế này có kế hoạch ngừng bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các chương trình QE3. FOMC hiện đang thu hẹp dần quy mô của QE3, theo đó mỗi tháng cắt giảm 10 tỷ USD. Đến cuối tháng 6 vừa qua, chương trình này chỉ còn 35 tỷ USD, từ mức 85 tỷ USD/tháng hồi cuối năm 2013.
Dù biết rằng lãi suất thấp không thể kéo dài mãi mãi nhưng lịch trình nâng lãi suất vẫn là một câu hỏi lớn. Giới chuyên môn dự đoán từ nay tới giữa năm 2015, FED sẽ không tăng mức lãi suất cơ bản ngắn hạn chừng nào nhận thấy kinh tế Mỹ còn chưa tăng trưởng đủ mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như tăng lãi suất có thể vẫn là quyết định thiếu khôn ngoan.
Việt Nam cũng sẽ chịu tác động phần nào đó trước sức ép về tỷ giá. Tuy nhiên, sẽ không quá lớn trong trường hợp Việt Nam nằm ngoài vùng ảnh hưởng của làn sóng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.
Vẫn còn khó khăn ở phía trước
Mặc dù để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản hiện đang ở mức gần bằng 0%, Chủ tịch FED đồng thời nêu bật những thách thức hiện tại mà kinh tế Mỹ đang đối mặt. Bà cảnh báo nền kinh tế số một thế giới vẫn tăng trưởng chậm chạp, thị trường nhà đất không có những tiến triển thực sự rõ nét trong khi các điều kiện về tín dụng bị thắt chặt. Theo bà, chính sách thắt chặt tiền tệ là một trong những nguyên nhân kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế.
Trong bản báo cáo trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, FED cũng cảnh báo thực trạng các tập đoàn công nghệ đang làm ăn có lãi, như các tập đoàn truyền thông xã hội và công nghệ sinh học, dường như đã được định giá cao quá mức. Tuy nhiên, FED bác bỏ nguy cơ xảy ra tình trạng bong bóng trên thị trường chứng khoán, mặc dù các chỉ số chứng khoán ở mức cao kỷ lục trên các sàn giao dịch trong thời gian gần đây.
Kể từ tháng 8/2012, FED duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản thấp kỷ lục từ 0-0,25% nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi. Tính đến tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm gần 1,5% xuống còn 6,1%, trong khi tốc độ tăng trưởng việc làm - hiện đang ở mức trung bình 230.000 việc làm mới/tháng, vẫn duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2014.
Trên cơ sở sự cải thiện của nền kinh tế, việc nâng lãi suất phải được tính đến. Trong khi đa số các nhà đầu tư đều dự đoán lãi suất sẽ tăng vào năm 2015, thì trong báo cáo đánh giá hàng năm về tình hình kinh tế Mỹ mới công bố tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại nhận định phải tới cuối năm 2017, nền kinh tế Mỹ mới bước vào thời kỳ phát triển đầy đủ và mạnh mẽ, tạo ra đủ việc làm và tăng đáng kể mức lương cho người lao động.
Theo IMF, FED sẽ tiếp tục duy trì lãi suất của các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại ở mức gần như bằng 0% lâu hơn mức thị trường tài chính đang dự đoán là giữa năm 2015. Việc nâng lãi suất trước thời điểm kinh tế phát triển mạnh mẽ có thể khiến các thị trường chao đảo hoặc thậm chí làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc để nền kinh tế đợi quá lâu mới nâng lãi suất có thể tạo nguy cơ bong bóng. Đây thật sự là một bước đi hết sức khó khăn của FED trong việc điều hành nền tài chính Mỹ có tác động đến kinh tế toàn cầu.
Như vậy, nếu FED thực sự tăng lãi suất, rút chương trình thu mua tài sản và giảm dần nguồn cung USD cho thị trường, thì sự quan ngại về một nguy cơ tái lạm phát và bong bóng tài sản trong tương lai sẽ là điều mà FED phải có phường án đối phó.
Tuy nhiên “hệ luỵ” lớn nhất và rõ nhất là khi chính sách này được FED công bố chính thức sẽ khiến dòng vốn rời khỏi thị trường các nước mới nổi để quay về với thị trường Mỹ, do lợi suất ở đây sẽ lên cao. Vì thế, giới chuyên gia kinh tế đang dự báo về xu thế vận động mới của dòng vốn FDI quốc tế trong thời gian tới là có cơ sở./.