Ngăn chặn và đẩy lùi dịch Ebola – Nỗ lực không mệt mỏi

15:59, 13/08/2014

Trong bối cảnh số lượng các ca tử vong do dịch bệnh Ebola ở Tây Phi đã vượt quá con số 1.000, những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này tiếp tục được tăng cường khẩn cấp trên phạm vi toàn thế giới.  

Ứng phó với tình trạng thiếu bác sĩ điều trị Ebola

 

Ngày 12/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, y tá và thiết bị để ứng phó với đại dịch Ebola.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York (Mỹ), ông Ban cho biết: "Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay thông báo rằng, số người chết đã vượt quá 1.000". Theo nhà lãnh đạo Ban Ki-moon, cần ứng phó nhanh chóng với tình trạng thiếu các nguồn lực tại 3 quốc gia bị ảnh hưởng chính là: Guinea, Liberia và Sierra Leone. "Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu bác sĩ, y tá và thiết bị, bao gồm cả quần áo bảo hộ và lều cách ly", ông Ban nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá, cần một giải pháp quốc tế phối hợp: "Tôi vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với Tổng giám đốc WHO - Tiến sĩ Margaret Chan. Trong những ngày tới, Liên hợp quốc sẽ củng cố các cách thức mà chúng ta đối phó với đại dịch".

 

Tổng thư ký thông báo rằng, ông đã bổ nhiệm Tiến sĩ David Nabarro làm Điều phối viên của Liên hợp quốc về bệnh Ebola. Ông David Nabarro sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm hiệu quả đóng góp của Liên hợp quốc trong những nỗ lực quốc tế để kiểm soát dịch bệnh.

 

Ngoài ra, Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng tuyên bố nêu rõ, cần phải "tránh hoảng loạn và sợ hãi". "Ebola có thể tránh được. Với các nguồn lực, kiến thức, hành động nhanh chóng và ý chí, con người có thể sống sót qua dịch bệnh. Ebola đã được kiểm soát với những thành công khác nhau và chúng ta có thể làm điều đó" - ông nói thêm.

 

Thông qua phương pháp điều trị thử nghiệm Ebola

 

Ngày 12/8, Ủy ban các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua việc sử dụng các phương pháp điều trị thử nghiệm tại các nước Tây Phi ngay cả khi chúng chưa được thử nghiệm đầy đủ trên người và chưa cấp phép sử dụng. WHO cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục hoành hành và một số điều kiện nhất định được đáp ứng, Ủy ban đã nhất trí xem xét rằng, về mặt đạo đức, cần cung cấp phương pháp điều trị tuy chưa được chính thức công nhận và hiệu quả vẫn chưa được khẳng định, nhưng có khả năng điều trị hoặc phòng ngừa".

 

Quyết định của WHO được đưa ra đúng vào thời điểm linh mục người Tây Ban Nha – người đầu tiên được điều trị Ebola bằng vắc-xin Zmapp – đã qua đời ở Madrid sau 5 ngày được đưa ra khỏi Liberia. Vị linh mục 75 tuổi nhiễm Ebola khi đang điều trị cho các bệnh nhân ở Liberia. Được biết, thi thể vị linh mục đã được hỏa táng trong ngày 12/8 để ngăn ngừa virus lây lan.

 

Ủy ban của WHO đã xác định các phương pháp điều trị này "minh bạch tuyệt đối về việc chăm sóc, tự nguyện chấp thuận, tự do lựa chọn". Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận, không có nguồn dự trữ sẵn sàng loại thuốc điều trị này, vì theo bà Marie-Paule Kieny - Trợ lý Tổng giám đốc WHO: Ebola "thường là một căn bệnh của người nghèo ở các nước nghèo”, nơi 'không có thị trường" cho các công ty dược phẩm. "Nếu không có đầu tư của chính phủ, các phương pháp điều trị mà các nhà nghiên cứu tiến hành sẽ không tồn tại, nhưng nên tăng cường đầu tư ngay từ bây giờ vì các giai đoạn cuối cùng thuộc về ngành công nghiệp dược phẩm" – bà Marie-Paule Kieny nêu rõ.

 

Theo báo cáo mới nhất vừa được WHO công bố tối 12/8, dịch bệnh Ebola đã khiến 1.013 người tử vong và 1.848 trường hợp nhiễm bệnh tại: Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria.

 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, không có biện pháp điều trị đặc hiệu hoặc vắc-xin phòng chống virus Ebola, vốn lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể của người và động vật bị nhiễm bệnh.

 

Trước khi WHO công bố thông qua, Mỹ cũng đã cam kết sẽ gửi đến Liberia, một trong những nơi ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh loại huyết thanh thử nghiệm có sẵn với số lượng rất nhỏ để điều trị cho các bác sĩ Liberia đang bị nhiễm bệnh.

 

Huyết thanh thử nghiệm Zmapp, do Công ty Mapp Biopharmaceutical có trụ sở tại California (Mỹ) sản xuất, được dùng điều trị cho 2 bác sĩ người Mỹ bị nhiễm virus chết người này ở Liberia. 2 bác sĩ đồng ý được điều trị bằng loại thuốc này mặc dù họ biết rằng, đây là loại thuốc chưa từng được kiểm nghiệm trên người và sức khỏe của họ hiện đang hồi phục rất tốt.

 

Ngoài ra, ngày 12/8, Bộ Y tế Sierra Leone cho biết, nước này đã chuẩn bị một lá thư để gửi cho nhóm người Mỹ yêu cầu được nhận huyết thanh này. Hãng thông tấn AFP, dẫn lời người phát ngôn Sidi Yahya của Bộ Y tế Sierra Leone nêu rõ: "WHO vừa chấp thuận yêu cầu của chúng tôi để thuốc ZMapp được phân phát cho cả Sierra Leone và Liberia". Người phát ngôn này cũng bày tỏ hy vọng sẽ nhận được thông tin từ Mỹ trong vòng 2 ngày tới.

 

Cùng ngày, Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế bù đắp 18 triệu USD còn thiếu để tài trợ cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm đã giết chết 315 người dân nước này. "Tổng cộng, chúng tôi cần 25,9 triệu USD. Cho tới hiện nay, chúng tôi mới chỉ nhận được 7,6 triệu USD, vẫn còn thiếu 18,2 triệu USD" - Tổng thống Sierra Leone nhấn mạnh./.