Theo Roi-tơ, ngày 6-8, Bộ trưởng Y tế 15 nước thuộc Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) đã triệu tập phiên họp khẩn tại TP Giô-han-ne-xbớc của Nam Phi để thảo luận các biện pháp ứng phó nếu dịch E-bô-la lây lan sang khu vực này.
Tại cuộc họp, với sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bên liên quan, các nước SADC đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc đề phòng và đối phó dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch E-bô-la đang hoành hành tại Tây Phi và có nhiều nguy cơ lây lan rộng. Hội nghị đã ra tuyên bố kêu gọi các nước thực hiện những biện pháp khẩn cấp để bảo đảm không bùng nổ dịch bệnh trong khu vực.
* Cùng ngày, các chuyên gia WHO cũng nhóm họp tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) nhằm đề ra những biện pháp mới ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời cân nhắc về khả năng công bố đại dịch toàn cầu. Cũng trong ngày 6-8, Bộ trưởng Y tế Ni-giê-ri-a O.Chucu cho biết, nước này đã ghi nhận thêm năm ca nhiễm bệnh và một y tá đã tử vong vì vi-rút E-bô-la. Y tá này chính là người đã chăm sóc cho bệnh nhân người Mỹ gốc Libê-ri-a P.Xoi-ơ (đã tử vong hồi tháng trước). Hiện năm người còn lại từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân P.Xoi-ơ cũng đang được điều trị cách ly ở TP La-gốt, nơi có 21 triệu dân sinh sống.
* Ngày 6-8, Tổng thống Li-bê-ri-a E.Sơ-líp đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 90 ngày trước sự bùng phát của dịch bệnh E-bô-la.
Trong một tuyên bố chính thức, bà Sơ-líp nói: "Chính phủ và người dân Li-bê-ri-a cần có các biện pháp đặc biệt để bảo vệ sự tồn vong của quốc gia và tính mạng của người dân". Bộ Y tế A-rập Xê-út cùng ngày cho biết, một người đàn ông được điều trị các triệu chứng giống như các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết do E-bô-la đã tử vong tại một bệnh viện ở Giét-đa.
Nếu được xác định, đây sẽ là ca tử vong do E-bô-la đầu tiên ở ngoài châu Phi.
* Theo số liệu thống kê chính thức của WHO, tính đến hết ngày 6-8 đã có 932 người tử vong do vi-rút E-bô-la và 1.711 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó chủ yếu là tại Ghi-nê, Li-bê-ri-a và Xi-ê-ra Lê-on. Hiện Ghi-nê là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất, với 495 người nhiễm bệnh và 363 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh E-bô-la bùng phát hồi đầu năm nay. Ngày 7-8, một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha bị nhiễm vi-rút E-bô-la khi làm việc tại Li-bê-ri-a đã được đưa về nước để chữa trị. Đây là ca nhiễm bệnh E-bô-la đầu tiên được đưa về châu Âu.