Sau 5 ngày đàm phán tại Trung tâm Hòa bình Myanmar ở Yangon, ngày 26-9, Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc vũ trang nước này tuyên bố Ủy ban Công tác kiến tạo hòa bình của Chính phủ Myanmar (UPWC) và Đoàn Điều phối ngừng bắn quốc gia của các nhóm sắc tộc thiểu số (NCCT) đã thông qua bản dự thảo lần thứ 4 thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc sau nhiều cuộc thảo luận. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán vào tháng 10 và cam kết sẽ nỗ lực hết sức để sớm ký kết một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành trọn bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc để đề cập tới những nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố và khẳng định quyết tâm dẫn đầu liên minh rộng lớn chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức cực đoan khác. Một trong những giải pháp mà người đứng đầu Nhà Trắng nói tới là "nỗ lực để cắt đứt các nguồn tài chính của IS". Tuy nhiên, thật lạ là khi các đợt oanh kích rầm rộ nhằm vào các mục tiêu của nhóm khủng bố, trong đó có nhiều cơ sở lọc dầu tại Syria do chúng kiểm soát diễn ra thì giá vàng đen trên thị trường thế giới lại quay đầu đi xuống. Đến chiều 26-9, mỗi thùng dầu ngọt nhẹ được bán ở mức 92,53 USD.
Phản ứng này không giống với những gì thường được chứng kiến khi mỗi chuyển động tại rốn dầu Trung Đông sẽ lập tức gây nên một cơn sốt trên các sàn giao dịch dầu thô toàn cầu. Trong một thời gian dài, lúc Trung Đông "có biến" cũng là lúc các nhà đầu tư khắp thế giới quan ngại về sự thiếu hụt nguồn cung ở nơi đang nắm giữ con bài năng lượng chủ chốt của hầu khắp các nền kinh tế. Tuy nhiên, diễn biến thị trường dầu thời gian gần đây, kể cả khi IS nổi lên như một nhóm khủng bố đáng sợ và chiếm lĩnh nhiều giếng dầu ở miền Bắc Iraq, một cuộc khủng hoảng về giá theo quy luật cũ đã không xảy ra. Dù có sự điều chỉnh lên xuống qua từng phiên giao dịch, nhưng về tổng thể đã không có một sự đột biến nào về giá dầu dẫu rằng những căng thẳng trong cuộc đối đầu khó khăn với những kẻ cực đoan vẫn leo thang từng ngày.
Vậy điều gì đã dẫn tới một sự thay đổi về tâm lý tại thị trường quan trọng như dầu thô. Trước hết, phải thấy rằng những bất ổn chính trị tại Libya, chiến tranh triền miên ở Syria hay sự "tác oai tác quái" của IS ở Iraq về cơ bản vẫn chưa trở thành một cuộc xung đột lan ra toàn khu vực và có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của những "đàn anh" dầu mỏ ở Trung Đông như Saudi Arabia hay các quốc gia vùng Vịnh. Hiện tại, Riyadh vẫn là nước dẫn đầu về sản lượng trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với việc cung ứng trên dưới 9,6 triệu thùng/ngày ra thị trường. Saudi Arabia cũng hoàn toàn tự tin vào khả năng có thể khỏa lấp những thiếu hụt về năng lượng từ cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào IS. Với năng lực sản xuất 12,5 triệu thùng/ngày, tiềm lực của Saudi Arabia đã đem đến một chỗ dựa khá vững chắc cho các nhà đầu tư rằng trong ngắn hạn sẽ khó xuất hiện một sự rối loạn về cung ứng dầu cho dù có sự bấp bênh về nguồn cung từ một số nhà cung cấp khác trong và ngoài OPEC thời gian qua. Tuy nhiên, quốc gia giàu có ở vùng Vịnh chưa phải là tất cả. Các nhà phân tích đã nói tới dầu khí đá phiến như một nguyên do lớn làm xoay chuyển tâm lý thị trường. Sự "lãnh đạm" của giá dầu trước những rối ren an ninh ở Trung Đông vừa qua đang khẳng định rõ thêm vai trò của khí đá phiến đối với bức tranh năng lượng toàn cầu. Được xem là một cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt, việc khai thác dầu bằng công nghệ hoàn toàn mới này cho phép thu được dầu thô ở những nơi khó tiếp cận nhất. Cho dù vẫn đang dừng ở mặt lý thuyết nhưng triển vọng về khí đá phiến khiến thế giới bớt phụ thuộc vào dầu mỏ tại Trung Đông đã giúp thị trường bình tĩnh hơn khi đón nhận những tin tức chiến sự ở mảnh đất vàng.
Thực tế này cũng đang định hình một xu hướng mới trong mối quan hệ giữa các thị trường toàn cầu và các vấn đề chính trị. Dường như giới đầu tư hiện nay đã giảm bớt sự tác động của những biến cố trên chính trường trong các quyết định làm ăn của họ so với những rủi ro về kinh tế sẽ mang lại. Vì lẽ đó, dẫu hàng loạt biến động đã rung chuyển Trung Đông, Bắc Phi… trong vài năm gần đây, giá dầu vẫn chưa lần nào lặp lại được kỷ lục gần 150 USD/thùng như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, sẽ là quá chủ quan nếu bỏ qua vai trò của các yếu tố địa chính trị đối với giá dầu thô cũng như các thị trường tài chính và hàng hóa khác. Những lộn xộn ở Trung Đông được xem sẽ tiếp tục là nhân tố tạo áp lực cho giá dầu trong thời gian tới nhưng nhìn chung, dầu mỏ sẽ không thể có sự đột phá nào về giá cho đến cuối năm trong bối cảnh kho dầu dự trữ của Mỹ đang gia tăng và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm vì những số liệu tăng trưởng đáng thất vọng.