Nguồn tin từ Seoul hôm nay (10/9) cho biết, các quan chức chính phủ và các nhà nghiên cứu của 6 quốc gia đàm phán về hạt nhân Triều Tiên đang chuẩn bị tham gia một Diễn đàn an ninh vào tuần tới.
Từ khi thành lập năm 1993, Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á (NEACD) là một diễn đàn đối thoại không chính thức giữa Triều Tiên và 5 đối tác về chương trình hạt nhân của mình, gồm Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Được Học viện California về các vấn đề xung đột và hợp tác toàn cầu tổ chức, Đối thoại NEACD đã tập hợp các quan chức ngoại giao và quốc phòng, chuyên gia quân sự và các học giả để thảo luận "thẳng thắn" về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên là một thành viên thường xuyên của Diễn đàn này từ năm 2002, nhưng nước này đã bỏ qua vài cuộc gặp khi Diễn đàn được tổ chức tại Seoul.
"Chúng tôi không thể đưa ra bình luận gì về cuộc họp", Lynne Bush, một biên tập viên cao cấp của Học viện tại San Diego, cho biết trong một email khi được hỏi về sự tham gia của Triều Tiên trong diễn đàn năm nay.
Các quan chức Hàn Quốc cũng từ chối tiết lộ chi tiết của diễn đàn sắp tới. Các quan chức này nói rằng họ không được phép tiết lộ với giới truyền thông. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, cuộc họp có thể được tổ chức tại San Diego vào tuần tới.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ không có thông tin nào về khả năng Triều Tiên sẽ tham gia cuộc họp sắp tới.
Năm 2013 Diễn đàn đã không được tổ chức không rõ vì lý do gì, nhưng cuộc họp năm 2012 tại Đại Liên, Trung Quốc, đã có mặt đông đủ các Phó trưởng phái đoàn hạt nhân của 6 quốc gia. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009 có đủ quan chức cấp cao của 6 quốc gia tập trung tại hội nghị.
Tham gia diễn đàn năm 2012 có ông Lee Do-hoon, Phó trưởng phái viên của Seoul; Clifford Hart, sau này là đặc phái viên Mỹ về vấn đề đàm phán hạt nhân; và Choe Son-hui, một Tổng cục phó thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Tham gia diễn đàn sắp tới, Hàn Quốc dự kiến sẽ cử người đứng đầu Vụ Cơ chế Hòa bình Bán đảo Triều Tiên, thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nguồn tin cho biết thêm.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên dường như đang tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao nhằm phá vỡ sự cô lập quốc tế.
Ông Kang Sok-ju, một nhà ngoại giao Triều Tiên nhiều kinh nghiệm, tuần trước thực hiện một chuyến đi hiếm hoi tới 4 quốc gia châu Âu, trong đó có Đức và Thụy Sĩ, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong lên kế hoạch đi New York vào cuối tháng này để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Các suy đoán cũng tăng lên rằng Mỹ có thể cử một đặc phái viên tới Triều Tiên để “giải cứu” cho ba công dân Mỹ bị bắt giữ với cáo buộc phạm luật của Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán 6 bên nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã bị ngưng trệ từ cuối năm 2008, khi Bình Nhưỡng bước ra khỏi bàn đàm phán.
Triều Tiên đã kêu gọi nối lại cuộc đàm phán một cách "vô điều kiện", nhưng Seoul và Washington nhấn mạnh rằng trước tiên Bình Nhưỡng phải thực hiện các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa./.