ASEM 10: Đâu là điểm nhấn?

07:26, 20/10/2014

Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) thành lập năm 1996 theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự hưởng ứng của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức của lãnh đạo các nước ASEM, EU và Ban Thư ký ASEAN. Trong hai ngày 16 và 17/10, diễn đàn ASEAN 10 đã diễn ra tại Milan (Italy) thu hút 53 thành viên, chiếm 63% dân số thế giới, 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu. ASEM hiện là diễn đàn lớn thứ 2 thế giới chỉ đứng sau Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Từ tranh luận về lợi ích

 

Với 53 đại diện đứng đầu chính phủ và nguyên thủ quốc gia tham dự (Croatia, Kazakhstan là hai thành viên mới) và hơn 2.000 đại biểu khác. Diễn đàn ASEAM thu hút các quốc gia từ Tây Âu đến Thái Bình Dương bao gồm cả Austraia và New Zealand.

 

Với chủ đề “Quan hệ đối tác có trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững”. ASEM kỳ vọng sẽ đạt được tiến bộ cụ thể về các vấn đề kinh tế, xã hội và hợp tác có giá trị toàn cầu.

 

Tuy nhiên, “số lượng các cuộc gặp song phương bên lề cũng rất nhiều và thường trao đổi rất thẳng thắn” về những vấn đề theo lợi ích song phương như mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ Trung Quốc – EU; mở rộng quan hệ kinh tế giữa EU và châu Á; và tăng cường quan hệ giữa Moscow – Bắc kinh…

 

Các cuộc họp kín cũng đã diễn ra, các mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu của nhóm Hồi giáo cực đoan IS, tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề liên quan đến Ukraine, biến đổi khí hậu toàn cầu… cũng được các nhà lãnh đạo bàn thảo.

 

Đến đối phó với thách thức toàn cầu

 

Chủ tịch Hội đồng EU, ông Herman Van Rompuy cho biết ông hy vọng có một số tiến bộ cụ thể về sự ấm lên toàn cầu. “Chúng tôi sẽ phấn đấu có một sự đồng thuận liên khu vực để đưa ra một lộ trình đầy tham vọng cắt giảm khí thải nhà kính toàn cầu”.

 

Tăng cường hợp tác, đối thoại, nhằm tìm ra giải pháp duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu là trọng tâm tại Hội nghị lần này. ASEM-10 tập trung thảo luận 4 nội dung chính gồm: Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á-Âu; Các vấn đề toàn cầu; Các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; Định hướng tương lai ASEM.

 

Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều nhiều năm qua đã giúp cho hàng trăm triệu người ở cả hai châu lục thoát khỏi đói nghèo. Nhiều quốc gia đạt được mức thu nhập trung bình, một số quốc gia đã trở thành nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thế giới lại đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước đều bị đe dọa.

 

Vì thế, cùng nhau hành động để vượt qua thách thức, tăng trưởng bền vững là mục tiêu mà ASEM đang hướng tới. Chính phủ Việt Nam cũng chia sẻ rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu sắc hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng cao. Không một quốc gia, một chính phủ nào có thể hành động một mình để ứng phó với các thách thức. Là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng, với tiềm lực khoa học công nghệ dồi dào, ASEM  hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm để góp phần đưa hai châu lục trở thành động lực phát triển bền vững của thế giới”.

 

Và những kết quả được ghi nhận

 

Kết thúc tại phiên bế mạc, Hội nghị đã ghi nhận 27 sáng kiến mới được đề xuất, nhất trí thành lập 16 Nhóm hợp tác chuyên ngành xây dựng định hướng hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2016.

 

Việt Nam đã đóng góp ba sáng kiến mới về: “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM chống đói nghèo”, và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững”.

 

Các thành viên ASEM hoan nghênh và chúc mừng Mông Cổ đăng cai ASEM-11 vào năm 2016 và Luxembourg tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 12 vào năm 2015 và việc tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM vào năm 2016.

 

Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, với nhiều sáng kiến hợp tác mới, đa dạng, thể hiện quyết tâm chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á - Âu.

 

Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, thông qua việc đề xuất nhiều sáng kiến tăng cường hợp tác ASEM trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, thúc  đẩy tăng trưởng xanh, tích cực triển khai các sáng kiến xây dựng nền kinh tế xanh phù hợp với mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

 

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là một trong ba nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại phiên họp toàn thể về các vấn đề toàn cầu, tiếp tục đóng góp các đề xuất, sáng kiến đang là mối quan tâm chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

 

Thủ tướng Việt Nam cũng là một trong ba nhà lãnh đạo cấp cao Châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đến từ hai châu lục Á-Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14.

 

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam còn có các cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương với nhiều Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ các quốc gia. Các cuộc tiếp xúc đã góp phần thắt chặt thêm sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực với các đối tác quan trọng ở hai châu lục.

 

Bên lề ASEM-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Hai bên nhất trí triển khai ba nhóm công tác hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về tiền tệ và bàn bạc hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước.

 

Thủ tướng Việt Nam cũng nhấn mạnh đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

 

Như vậy, rõ ràng ASEM đã và đang là cơ chế kết nối Á–Âu ngày càng chặt chẽ hơn, vị thế của diễn đàn ngày càng được nhiều nước quan tâm, nhất là những hiệu quả thiết thực mà nó đem lại về cả kinh tế, an ninh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững./.