Đình công và cải cách lao động – lực cản khó vượt của kinh tế châu Âu

08:05, 08/10/2014

Trong khi tốc độ phục hồi chậm chạp thì đình công và vấn đề lao động đang đòi hỏi cải cách lại tăng thêm sức nặng cho nền kinh tế châu các nước châu Âu  vốn đang ì ạch thoát khỏi suy thoái.

Tại Anh, giao thông ở thủ đô London lại có nguy cơ rối loạn khi nghiệp đoàn các nhân viên hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố này tuyên bố sẽ tiếp tục đình công trong vòng 48 giờ từ ngày 14/10 nhằm phản đối kế hoạch đóng cửa các quầy bán vé tàu điện ngầm. Hoạt động này dự kiến diễn ra trùng thời điểm với một loạt cuộc đình công khác của các nhân viên y tế và viên chức trên toàn nước Anh do mâu thuẫn xung quanh những vấn đề tiền lương, việc làm và cắt giảm chi phí.

 

Liên đoàn vận tải đường sắt và đường biển (RMT) cho rằng các cuộc thảo luận về kế hoạch đóng cửa các quầy vé diễn ra trước đó không đạt kết quả, đồng thời khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng để phản đối kế hoạch trên. Với lập luận. cắt giảm nhân viên trên toàn hệ thống, trong khi nhu cầu đi lại bằng tàu điện ngầm của hành khách liên tục tăng cao, sẽ dẫn tới những rối loạn, không thể đảm bảo quy trình an toàn giao thông. Trong khi đó, nhà chức trách cho rằng việc đóng cửa các quầy bán vé tại tất cả 270 ga tàu điện ngầm ở London sẽ giúp thành phố tiết kiệm 50 triệu bảng (82 triệu USD)/năm.

 

Hồi tháng 4 vừa qua, nhân viên hệ thống tàu điện ngầm ở London đã đình công trong 48 giờ phản đối kế hoạch trên, gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1,5 tỷ bảng (2,5 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh. Hệ thống tàu điện ngầm của London là hệ thống lâu đời nhất trên thế giới với sức chuyên chở lên tới 3 triệu lượt khách mỗi ngày.

 

Ngày 6/10, nhân viên hệ thống tàu điện ngầm ở Lisbon (Bồ Đào Nha) cũng thông báo kế hoạch đình công 24 giờ, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, nhằm phản đối dự án tư nhân hóa công ty tàu điện ngầm Lisbon và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ. Nếu cuộc đình công diễn ra, hệ thống tàu điện ngầm của Lisbon sẽ phải đóng cửa lần thứ 3 kể từ tháng 9. Việc cắt giảm chi tiêu và tư nhân hóa các công ty là một phần trong những biện pháp mà Chính phủ Bồ Đào Nha thực hiện để đáp ứng các điều kiện của gói cứu trợ quốc tế 78 triệu Euro.

 

Cùng ngày, phi công hãng hàng không Lufthansa (Đức) cũng cho biết sẽ tiến hành đợt đình công thứ 5 kể từ cuối tháng 8 do những bất đồng về chính sách nghỉ hưu chưa thể giải quyết. Theo kế hoạch, cuộc đình công lần này dự kiến diễn ra từ 8:00 sáng (giờ Hà Nội ) ngày 8/10 đến 3:30 (giờ Hà Nội) ngày 10/10 và ảnh hưởng tới các máy bay chuyên chở hàng hóa nội địa. Lần đình công gần đây nhất của phi công Lufthansa diễn ra hôm 30/9 chủ yếu ảnh hưởng tới các máy bay chở khách, khiến 20.000 hành khách chịu ảnh hưởng.

 

Ngày 7/10, Thủ tướng Italy Matteo Renzi gặp lãnh đạo các nghiệp đoàn để thảo luận về dự luật lao động sửa đổi. Tuy nhiên, việc các nghiệp đoàn cho đến nay vẫn phản đối mạnh mẽ cải cách thị trường lao động, trong khi một số thành viên đảng Dân chủ (PD) của Thủ tướng Renzi cũng chỉ trích nhiều điểm sửa đổi trong dự luật, khiến kế hoạch trên đang vấp phải nhiều khó khăn.

 

Phát biểu trước cuộc gặp ngày 7/10, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định Chính phủ Italy cần phải làm nhiều việc để cải cách hệ thống lao động và hiện đại hóa quốc gia. Cải cách thị trường lao động được Thủ tướng Renzi coi là một trong những ưu tiên bởi theo ông, tại Italy đang tồn tại "một hệ thống bất công", tạo ra những công nhân hạng một và hạng hai xét về những đảm bảo đối với người làm công và phúc lợi dành cho người thất nghiệp. Hiện dự luật lao động sửa đổi đã được thông qua ở cấp ủy ban, trong đó tăng cường bảo vệ đối với hợp đồng lao động mới, giảm bớt tình trạng dư thừa của các hợp đồng tạm thời đang gây khó khăn cho các lao động nhập cảnh, bên cạnh việc thiết lập mức lương và trợ cấp thất nghiệp tối thiểu. Tuy nhiên, Quốc hội Italy vẫn chưa thống nhất được những thay đổi gây tranh cãi ở điều 18 của đạo luật trên, liên quan quy chế bảo vệ người lao động khỏi việc sa thải bất công.

 

Thủ tướng Matteo Renzi cho rằng điều 18 ngăn cản các công ty thuê nhân viên vì khó có thể sa thải ai một khi họ đã được thuê, đồng thời đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và việc lạm dụng các hợp đồng lao động tạm thời, cũng như sử dụng lao động tự do, đặc biệt là đối với giới trẻ. Do vậy, ông mong muốn, thông qua cải cách luật lao động, có thể cắt giảm các hợp đồng ngắn hạn, nâng cao vai trò của các văn phòng giới thiệu việc làm và tăng các khoản trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận trong đảng PD lại phản đối quan điểm của Thủ tướng.

 

Như vậy, đình công và vấn đề lao động việc làm sẽ vẫn là những vấn đề nóng bóng. Nếu không giỉai quyết hài hoà lợi ích của các bên, đây sẽ là những lực cảm trong quá trình hồi phục của nền kinh tế châu lục.