Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố cho biết, mặc dù sản xuất gạo tăng trưởng nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi tiếp tục tăng lên trong giai đoạn từ nay đến năm 2022.
Báo cáo cho rằng, sản xuất gạo của các nước châu Phi sẽ đạt mức trên 28 triệu tấn vào năm 2022. Tuy nhiên, châu lục này vẫn phải nhập khẩu thêm 14,6 triệu tấn gạo để bảo đảm an ninh lương thực.
Ai Cập là nước có sản lượng gạo cao nhất, đạt khoảng 3,8 triệu tấn. Do đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Ai Cập không cao như các nước khác trong khu vực. Tuy vậy, dự báo cho đến năm 2022, sản lượng gạo của Ai Cập khó có khả năng tăng trưởng do sản xuất đã gần như đạt mức giới hạn, nên dự báo Ai Cập cũng sẽ phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn gạo vào năm 2022.
Các nước châu Phi khác thuộc tiểu vùng Sahara, nơi tập trung phần đông dân số châu Phi, tuy có sản lượng gạo tương đối lớn, dự báo đạt khoảng 24,4 triệu tấn song do có tốc độ phát triển dân số cao nên cũng sẽ phải nhập tới 12,8 triệu tấn gạo vào năm 2022.
Theo báo cáo, về triển vọng, đến năm 2022, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới sau Thái Lan. Tuy nhiên, một số nước hiện đang có chính sách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Ấn Độ (có thể đạt mức xuất khẩu trên 5 triệu tấn), Pakistan (trên 4 triệu tấn), Hoa Kỳ (gần 4 triệu tấn). Các nước khác như Brazil, Uruguay mỗi nước có khả năng xuất khẩu trên 1 triệu tấn vào năm 2022./.