Các nước trên khắp các châu lục ngày 11/10 đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch Ebola sau khi Liên hợp quốc cảnh báo dịch bệnh mỗi ngày một diễn biến nghiêm trọng hơn và loài người đang “chạy sau” virus gây chết người này.
Tại sân bay quốc tế John F Kennedy ở New York (Mỹ), giới chức Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra thân nhiệt và khám sàng lọc hành khách và phi hành đoàn đến từ ba nước Tây Phi nằm trong tâm vùng dịch Ebola gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia nhằm phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh. Họ cũng phải trả lời các câu hỏi về khả năng phơi nhiễm virus Ebola. Một số hành khách có thể bị cấm rời khỏi sân bay hoặc phải đến các bệnh viện gần đó nếu cần thiết.
Mặc dù kiểm tra sức khỏe tại sân bay được coi là một biện pháp bảo vệ tăng cường cho nước Mỹ trước Ebola, nhưng Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết các biện pháp không đến mức quá ngặt nghèo, tránh làm tắc nghẽn các ga hàng không. Dự kiến, chỉ khoảng 150 hành khách sẽ được kiểm tra tại các ga mỗi ngày. Khoảng một nửa hành khách đến Mỹ từ Tây Phi đi qua sân bay John F Kennedy. Sau sân bay John F Kennedy, bốn sân bay lớn khác ở Mỹ cũng sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa tương tự từ tuần này.
Tại Mỹ Latinh, Peru và Uruguay đã thông báo áp dụng các biện pháp phòng ngừa tại sân bay. Trong khi đó, Mexico và Nicaragua dự định siết chặt kiểm soát người nhập cư. Hai trường hợp nghi nhiễm Ebola, gồm một người Guinea ở Brazil và một người Anh ở Macedonia, đều đã được xác nhận không mang virus Ebola. Bệnh nhân người Anh trước đó đã có triệu chứng giống bị nhiễm Ebola và đã tử vong.
Các nước khác như Anh đã tổ chức diễn tập toàn quốc để kiểm tra mức độ sẵn sàng đối phó với một đợt bùng phát Ebola, trong khi chính phủ Canada khuyên người dân rời khỏi các nước Tây Phi đang bị Ebola hoành hành. Canada cũng áp dụng biện pháp kiểm tra sức khỏe tại biên giới với những người muốn vào nước này.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, dư luận vẫn dồn sự chú ý vào trường hợp nữ y tá 44 tuổi Teresa Romero Ramos - người đầu tiên nhiễm Ebola ở ngoài châu Phi. Tình trạng của y tá này đã khá hơn, hết sốt, tỉnh táo và có thể nói chuyện. 15 người gồm chồng và các nhân viên bệnh viện đã tiếp xúc với nữ y tá này, đang được giám sát tại bệnh viện Carlos III ở thủ đô Madrid, cũng là nơi điều trị cho bệnh nhân.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 11/10 đã kêu gọi thế giới không xa lánh châu Phi vì Ebola. Bà lưu ý rằng không phải nước nào ở châu Phi cũng bị Ebola hoành hành. Bà nói: “Chúng ta phải rất cẩn trọng để không làm thế giới kinh hãi với toàn bộ châu Phi. Làm ăn kinh doanh vẫn phải tiếp tục, các nền kinh tế khác vẫn phải hoạt động và tạo công ăn việc làm”.
Đến nay, dịch Ebola đã cướp đi mạng sống của hơn 4.000 người chỉ trong vài tháng, phần lớn là ở Guinea, Liebria và Sierra Leone.