Bun-ga-ri trước nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng

09:04, 04/11/2014

Cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào đầu tháng 10-2014, vốn được kỳ vọng là cánh cửa mở ra cơ hội thành lập chính phủ mới tại Bun-ga-ri, nay lại rơi vào bế tắc khi kết quả bầu cử cho thấy, không có đảng nào giành đủ đa số phiếu tuyệt đối.

Trong bối cảnh chính trường bất ổn, "vòng xoáy" khủng hoảng ngân hàng và kinh tế trì trệ là những thách thức lớn mà quốc gia vùng Ban-căng phải đối mặt.

 

Theo kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bun-ga-ri (GERB) đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất với 32,6% số phiếu bầu, tương đương 90 ghế trong Quốc hội.

 

Tuy nhiên, đảng trung hữu GERB của cựu Thủ tướng B.Bo-ri-xốp vẫn còn thiếu 31 ghế nữa mới hội đủ đa số phiếu tuyệt đối. Ở vị trí thứ hai là đảng Xã hội đứng đầu Chính phủ liên hiệp vừa từ chức vào hồi tháng 7 vừa qua với 15,3% phiếu bầu. Bám sát nút là đảng Mặt trận vì Quyền lợi và Tự do (MRF) cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ chính phủ tiền nhiệm.

 

Trước tình hình trên, cựu Thủ tướng Bun-ga-ri B.Bo-ri-xốp đã kêu gọi lãnh đạo các đảng suy nghĩ thận trọng khi tìm kiếm đảng liên danh để thành lập một liên minh cầm quyền. Báo Người bảo vệ(Anh) nhận định, giải pháp tháo gỡ bế tắc cho chính trường Bun-ga-ri là thành lập một đại liên minh giữa đảng GERB với đảng Xã hội và một vài đảng khác, với chương trình hành động cụ thể và rõ ràng để "chèo lái" Bun-ga-ri vượt qua khó khăn, ổn định đất nước.

 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, quá trình thành lập chính phủ mới thay thế chính phủ lâm thời do Thủ tướng G.Bli-dơ-na-ski đứng đầu sẽ tương đối "chông gai" bởi GERB khó lòng tập hợp được đủ số ghế để thành lập chính phủ liên minh, trong bối cảnh quan điểm giữa các phe phái trên chính trường "xứ sở Hoa hồng" đang có quá nhiều khác biệt. Trong trường hợp các đảng không thành lập được liên minh cầm quyền, Bun-ga-ri sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác. Đây là điều khiến các cử tri không khỏi lo lắng khi những bất ổn chính trị hiện tại đang đẩy quốc gia Đông Âu này lún sâu vào "vũng lầy" của một cuộc khủng hoảng kinh tế.

 

Cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát cách đây ba tháng đã bộc lộ những "mắt xích yếu" trong nền kinh tế của "xứ sở hoa hồng". Để giúp cho hai ngân hàng lớn là KTB và FIB ổn định tình hình trước cơn bão khủng hoảng, chính quyền Xô-phi-a quyết định mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD cho các ngân hàng này. Cho đến nay, KTB vẫn chưa thể mở cửa hoạt động trở lại mặc dù ngân hàng lớn thứ ba Bun-ga-ri này đang cố gắng loại bỏ những vấn đề phát sinh dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Bun-ga-ri. Bất chấp những nỗ lực chống chọi khủng hoảng của ngành ngân hàng, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Bun-ga-ri đang lung lay dữ dội. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này đã giảm hơn một phần năm trong năm 2014.

 

Các chỉ số kinh tế "ảm đạm" khác cũng cho thấy những "sóng gió" mà chính phủ mới của Bun-ga-ri phải vượt qua sau khi được thành lập. Theo kết quả thống kê gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của quốc gia vùng Ban-căng chỉ đạt 1,6% và tỷ lệ thất nghiệp chiếm tới 20% lực lượng ở độ tuổi lao động.

 

Những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vốn được chính quyền Xô-phi-a áp dụng triệt để không những không vực dậy nền kinh tế mà còn khiến người dân thêm thất vọng. Bảy năm sau khi gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) kể từ năm 2007, "giấc mơ châu Âu" của người dân Bun-ga-ri còn quá xa vời khi đất nước này vẫn là thành viên nghèo nhất trong khối và có khoảng một phần tư số dân sống dưới mức nghèo theo chuẩn của EU. Bên cạnh đó, thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng và tác động mạnh của cuộc khủng hoảng nợ công bao trùm Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) cũng khiến nền kinh tế Bun-ga-ri thêm trì trệ.

 

Để vực dậy nền kinh tế, giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng và khôi phục niềm tin của người dân, Bun-ga-ri cần sớm có chính phủ mới có thể chèo lái đất nước với kế hoạch cải cách sâu rộng. Do vậy, đất nước Đông Âu này cần sớm ổn định chính trường để tránh nguy cơ lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.