Những diễn biến mới tại khu vực miền Đông Ukraine, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tình hình dịch bệnh Ebola… là những sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế tuần qua (17 - 23/11).
Tình hình phức tạp tại miền Đông Ukraine
* Theo AFP, ngày 17/11, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) có quan điểm thống nhất đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine và sẵn sàng gửi "thông điệp rõ ràng" rằng khối này sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu cần thiết.
Cùng ngày, theo hãng tin Reuters, các tiếng nổ lớn lẫn tiếng pháo kích đã vang lên tại sân bay Donetsk, miền Đông Ukraine, bất chấp những nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt cuộc giao tranh vốn đang xói mòn lệnh ngừng bắn tại các khu vực do quân ly khai kiểm soát.
* Theo AP, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 19/11 cho rằng việc Kiev quyết định không cấp ngân sách cho các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở miền Đông Ukraine có thể là điềm báo về một cuộc tấn công quân sự ác liệt.
Người ta thấy hàng chục xe bọc thép, khẩu đội pháo và các vũ khí hạng nặng khác đã được triển khai xung quanh các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát trong những tuần qua, làm gia tăng lo ngại về việc bắt đầu lại các hành động thù địch tại đó. Bất chấp lệnh ngừng bắn, nhiều dân thường và binh sĩ vẫn thiệt mạng trong các vụ nã pháo hàng ngày.
* Hãng Reuters đưa tin ngày 19/11, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Kiev và quân ly khai nhằm chấm dứt sáu tháng xung đột ở miền Đông nước này.
* AFP cho biết theo Hãng thông tấn TASS, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/11 đã cáo buộc phương Tây đang tìm cách kích động một sự thay đổi chế độ ở Nga bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
* AFP đưa tin, ngày 22/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak khẳng định hiện có 7.500 binh sỹ Nga hiện diện ở miền Đông nước này - nơi lực lượng ly khai đang giao tranh với các binh lính chính phủ trong những tháng qua.
IS hành quyết 1.429 người tại Syria trong vòng 5 tháng
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh ngày 17/11 công bố kết quả thống kê cho biết "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã hành quyết 1.429 người tại Syria trong vòng 5 tháng kể từ khi tổ chức này tuyên bố thành lập hồi tháng 6 vừa qua.
Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngày 17/11 cho biết, "nhiều khả năng" một trong số các phần tử thánh chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xuất hiện trong đoạn băng video về vụ hành quyết nhân viên viện trợ Mỹ và binh lính Syria là một công dân Pháp, 22 tuổi.
Theo AFP, Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 17/11 đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một đoàn xe của Liên hợp quốc ở gần sân bay Baghdad hôm 16/11. Phái viên cấp cao của LHQ tại Iraq khẳng định không có nhân viên LHQ nào bị thương trong vụ nổ này, còn cảnh sát Iraq cho hay 3 người đã bị thương.
Cũng theo AFP, ngày 19/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định đã nhận dạng được 2 công dân Pháp có mặt trong một đoạn băng hình mà Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng công bố hôm 16/11, trong đó ghi lại cảnh nhóm này chặt đầu 18 tù nhân Syria và một nhân viên cứu trợ người Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ngày 21/11 tuyên bố phải cắt đứt nguồn hỗ trợ tài chính cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời lưu ý chiến dịch này cần được tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền chủ quyền quốc gia.
Theo Reuters, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 21/11 thông báo Mỹ và các đồng minh đã thực hiện 30 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria kể từ hôm 19/11. Theo CENTCOM, trong số 23 cuộc không kích ở Iraq có 6 cuộc gần Baiji, phá hủy các tòa nhà, phương tiện đi lại và các đơn vị chiến thuật của IS.
Theo hãng AFP, ngày 22/11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết có hàng trăm người Đức đã rời đất nước để sát cánh cùng các phần tử thánh chiến ở Syria và Iraq. Phát biểu trên Kênh truyền hình Phoenix (Đức), ông De Maiziere nói: “Chúng tôi ước tính có khoảng 550 người, trong khi chỉ vài ngày trước mới chỉ có 450 người.” Phần lớn những đối tượng gia nhập lực lượng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) này là nam giới.
Số ca nhiễm Ebola sẽ bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm 2015
Bác sỹ Martin Salia được chuyển tới Trung tâm y tế Nebraska ở Omaha (Mỹ) ngày 15/11 để điều trị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/11 bày tỏ hy vọng rằng số ca nhiễm Ebola sẽ bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm tới, theo đó nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các thiết bị chẩn đoán nhanh.
Phát biểu với báo giới tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia hàng đầu về Ebola của WHO, Pierre Formenty cho biết trong vòng từ 4 đến 6 tháng tới, các ca nhiễm Ebola có thể sẽ giảm mạnh.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc này cho rằng với việc tiếp tục tăng cường các nỗ lực quốc tế, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 5.200 người, chủ yếu là ở Tây Phi, có thể suy yếu trong những tháng đầu năm 2015.
Trung tâm Y tế bang Nebraska, miền Trung nước Mỹ, ngày 17/11 thông báo một bác sỹ người Mỹ trở về từ Sierra Leone đã tử vong do nhiễm virus Ebola. Trong một thông báo, trung tâm trên cho biết bác sỹ Martin Salia đã qua đời với các triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn mặc dù đã được điều trị bằng thuốc ZMapp.
Theo THX, ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18/11 đã duyệt chi 285 triệu USD khoản viện trợ tài chính cho 3 quốc gia Tây Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh chết người Ebola.
Trong một thông cáo, WB cho biết khoản viện trợ trên là một phần trong gần 1 tỷ USD mà WB cung cấp trước đó cho Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Một số sự kiện đáng chú ý khác
*Đợt lạnh kỷ lục bất thường đang diễn ra trên toàn lãnh thổ Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Ngày 20/11, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ xuống thấp đã khiến thêm hai người tử vong ở hạt Niagara (Ni-a-ga-ra) và hạt Erie (E-ri), nâng tổng số người tử vong vì giá rét trong những ngày qua lên 10 người.
*Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20/11 đã thông qua một loạt nghị quyết, trong đó có nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nghị quyết mang mã số H.Res-714, do Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhất trí thông qua, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình và trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
*Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 18/11 đã chính thức tuyên bố giải tán Hạ viện vào ngày 21/11 để tổ chức bầu cử sớm đồng thời khẳng định hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10% từ tháng 10/2015 sang tháng 4/2017. Theo kế hoạch, chiến dịch tranh cử bắt đầu ngày 2/12 và cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 14/12.
*Theo AFP, ngày 20/11, Triều Tiên đã cảnh báo rằng nước này đang xúc tiến một vụ thử hạt nhân mới, đồng thời bác nghị quyết của Liên hợp quốc lên án hồ sơ nhân quyền của Bình Nhưỡng.
*Không ai sống sót trong vụ rơi máy bay quân sự ở Thái Lan. Người phát ngôn quân đội Thái Lan, Đại tá Sirijan Ngathong thông báo toàn bộ 9 sỹ quan đi trên chiếc máy bay quân sự rơi hôm 17/11 đều đã thiệt mạng.
*Đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran bước vào giai đoạn quyết định. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni) ngày 20/11 tuyên bố cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran đã bước vào giai đoạn quyết định. Iran sẽ phải đưa ra một quyết định chiến lược nếu không muốn cuộc đàm phán bị đổ vỡ./.