Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/11 công bố báo cáo cho biết số người tử vong do nhiễm virus Ebola trên thực tế ít hơn so với thông báo trước đó.
Theo thống kê chính thức của WHO, số ca tử vong tính đến ngày 31/10 là 4.818 người, thấp hơn so với báo cáo trước đó là 4.951 người và số người nhiễm trên thực tế được thống kê cũng giảm từ 13.567 người xuống 13.042 người.
Trong số 3 quốc gia nằm ở "tâm dịch" tại Tây Phi, Liberia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.697 trường hợp tử vong trong tổng số 6.525 người nhiễm. Tiếp theo là Sierra Leone với 1.070 người chết trong tổng số 4.759 người nhiễm và Guinea là 1.041 người chết trong tổng số 1.731 người nhiễm dịch. Riêng tại Mỹ, trong số 4 trường hợp được thống kê nhiễm dịch, có một người mang quốc tịch Liberia đã tử vong.
Trong khi đó, hưởng ứng lời kêu gọi của WHO tăng cường trợ giúp đối với các nước nằm trong vùng dịch nhằm ngăn chặn nguy lây nhiễm sang nhiều khu vực trên thế giới, ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ đề nghị quốc hội nước này thông qua kế hoạch lập quỹ khẩn cấp chống Ebola trị giá 6,2 tỷ USD trong năm nay.
Theo các quan chức thân cận với nguồn tin trên, mục tiêu của quỹ này là nhằm tăng cường các hệ thống y tế cộng đồng ở Mỹ, ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại các nước Tây Phi, thúc đẩy nỗ lực điều chế và thử nghiệm vắc xin phòng tránh cũng như các phương pháp điều trị cho người nhiễm dịch.
Giới chức y tế cho rằng việc ngăn chặn, phát hiện và đối phó với dịch nhanh có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm tại Mỹ cũng như nhiều nước khác, đồng thời giúp giảm chi phí và mất ổn định xã hội. Để đáp ứng cả mục tiêu trước mắt và dài hạn, các quan chức thuộc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đề xuất dành hơn 4,5 tỷ USD cho các hoạt động phản ứng nhanh và 1,5 tỷ USD cho Quỹ khẩn cấp nhằm đảm bảo rằng các nguồn tài chính luôn sẵn sàng để triển khai.
Ngoài tài chính, Mỹ cũng đã triển khai quân đội và nhân viên y tế tới khu vực tâm dịch ở Tây Phi, hỗ trợ xây dựng bệnh viện, cung cấp hậu cần và nhiều hỗ trợ thiết yếu khác.