"Xoay trục tới Châu Á - Thái Bình Dương" - đó là cụm từ đang được các cường quốc nhắc đến khi đề cập chiến lược ngoại giao ở thế kỷ XXI. Chủ đề này lại một lần nữa được làm "nóng" tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 vừa kết thúc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khi nhiều nhà lãnh đạo khẳng định sẽ thắt chặt quan hệ với nhiều quốc gia trong khu vực. Và nước Nga không nằm ngoài xu thế này.
Đến Bắc Kinh dự Hội nghị Cấp cao APEC trong ánh hào quang của người "quyền lực nhất thế giới" theo bầu chọn của Tạp chí Forbes, Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới khi phải đối mặt nhiều sức ép trong cả lĩnh vực đối ngoại và đối nội xuất phát từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thế nhưng, nhiều người tin rằng, xứ Bạch dương dưới "kỷ nguyên Putin" sẽ không dễ dàng từ bỏ bất kỳ "cuộc đua" nào. Một trong những phát ngôn đáng chú ý của ông chủ Điện Kremlin là khẳng định hợp tác với các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là hướng ưu tiên chiến lược của Mátxcơva; đồng thời, Nga sẵn sàng làm tất cả để phát triển mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với khu vực đầy tiềm năng này.
Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo nước Nga nói tới việc tăng cường quan hệ với các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược này đã được Tổng thống V.Putin đưa ra kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Nga lần thứ hai. Chuyến thăm Châu Á sau khi ông tái đắc cử cũng ngụ ý rằng ưu tiên của Nga cho sự liên kết với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn tới là hiện thực. Trên thực tế, là quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới, nối liền hai lục địa Á - Âu nhưng Nga có hơn 70% lãnh thổ nằm ở Châu Á. Như vậy, có thể thấy khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng như thế nào với Nga dù trên bất kỳ khía cạnh phát triển kinh tế, địa - chính trị hay an ninh quốc gia. Thêm vào đó, so với khu vực Châu Âu vẫn đang điêu đứng vì khủng hoảng thì kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lại đang phát triển một cách vững chắc và khu vực này đang trở thành một thị trường rộng lớn cho Nga, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu thô, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ.
Bên cạnh đó, Nga không thể không quan tâm tham vọng mở rộng của Liên minh Châu Âu (EU) cùng kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Cựu lục địa và sự trở lại của Mỹ với Châu Á - Thái Bình Dương cũng như sự tái vũ trang của Nhật Bản. Châu Á - Thái Bình Dương được coi là điểm bứt phá để Nga mở rộng không gian chiến lược, nhất là thời gian gần đây, quan hệ Nga - phương Tây rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Hướng tới Châu Á sẽ giúp Nga giải tỏa bế tắc về kinh tế vốn bị ràng buộc lâu nay bằng các lợi ích với phương Tây.
Hiện tại, Nga đã vạch ra hàng loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác với các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ trao đổi thương mại đến đầu tư và hợp tác quốc phòng... Trao đổi thương mại Nga và các nước Châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần 25% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của xứ Bạch dương. Sắp tới, Mátxcơva dự định tăng chỉ số này lên 40%; đồng thời, áp dụng những biện pháp cụ thể nhằm mở rộng địa bàn xuất khẩu của Nga, tăng thị phần các mặt hàng công nghệ cao và không phải nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, Nga ủng hộ ý tưởng thành lập khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương và Mátxcơva cũng đã lên kế hoạch hiện đại hóa các tuyến đường sắt Baikal - Amur và xuyên Siberia, coi đó là cơ sở cho "chiếc cầu xuyên lục địa" nối liền Á - Âu.
Chưa bao giờ Châu Á - Thái Bình Dương lại nhộn nhịp với chính sách "xoay trục" của các cường quốc thế giới như hai năm lại đây. Theo dự báo, trong thời gian tới, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, chiếm 54% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44% tổng lượng hàng hóa và dịch vụ thương mại thế giới. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều nhân tố gây mất ổn định, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển đảo. Điều này báo hiệu cuộc đua tranh giành ảnh hưởng và lợi ích sẽ ngày càng quyết liệt trong thời gian tới.