EU đối phó dòng người nhập cư

14:22, 18/12/2014

Liên tục được bàn thảo tại các hội nghị của lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU), vấn đề nhập cư từ lâu đã trở thành "nỗi đau đầu" dai dẳng của nhiều quốc gia trong khu vực. Trước tình trạng lượng người nhập cư vào EU gia tăng chóng mặt, mới đây, chính phủ những "miền đất hứa" như Anh, Ðức... vừa công bố một loạt biện pháp mới và quyết liệt nhằm đối phó dòng người nhập cư.

Tại hội nghị cấp Bộ trưởng Âu - Phi bàn về vấn đề nhập cư vừa qua, các bộ trưởng đến từ 58 quốc gia châu Âu và châu Phi đã cam kết đưa ra cách tiếp cận chung. Việc hai châu lục chung tay tìm hướng giải quyết cho bài toán hóc búa này là điều cần thiết, bởi cả "lục địa đen" lẫn "lục địa già" đều đang chịu tác động mạnh từ làn sóng di cư ồ ạt. Số lượng người châu Phi tìm cách nhập cư trái phép vào châu Âu ngày một tăng lên, đẩy châu Phi vào nguy cơ "chảy máu chất xám" và đè lên vai nhiều nước châu Âu gánh nặng việc làm, an sinh xã hội... Bộ trưởng Nội vụ Xê-nê-gan Ð.Ði-an-lô cho biết, thông qua cách tiếp cận chung, hai châu lục sẽ cùng góp sức giảm làn sóng di cư ồ ạt, và các nước châu Âu cũng sẽ bảo đảm những quyền cơ bản của người nhập cư.

 

Cùng với nỗ lực giải quyết "bài toán khó" nhập cư của toàn châu lục, một số nước thành viên EU như Anh, Ðức, I-ta-li-a... - nơi được coi là "thiên đường" của người di cư với nền kinh tế phát triển và chế độ phúc lợi tốt, cũng đang tự tìm "lối thoát" riêng. Vốn là quốc gia tiếp nhận lượng người nhập cư ngoài khu vực EU cao nhất "ngôi nhà chung", Anh phản ứng khá gay gắt và đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dòng người lao động từ các nước cả trong lẫn ngoài khối EU. Theo kế hoạch do Thủ tướng Anh Ð.Ca-mê-rôn công bố gần đây, người nhập cư từ các nước EU sẽ chỉ đủ điều kiện hưởng các hỗ trợ nhà nước như khấu trừ thuế, nhà ở xã hội... sau khi đã làm việc ở Anh ít nhất bốn năm. Kế hoạch này cũng hạn chế người nhập cư đưa thân nhân ở ngoài EU tới Anh và siết chặt quy định trục xuất tội phạm là người nước ngoài. Trước đó, "xứ sở sương mù" đã phối hợp lập hàng rào an ninh vững chắc tại cảng Ca-le thuộc miền đông bắc nước Pháp, nhằm ngăn chặn dòng người lao động châu Phi di chuyển từ khu vực này vào Anh.

 

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng áp dụng biện pháp "quyết liệt" như Anh. Ðức, nơi tiếp nhận 465.000 người nhập cư vào năm 2013, lại thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách hội nhập mới, nhiều ưu đãi nhằm thu hút lao động, nhất là những người có trình độ học vấn và tay nghề cao trong bối cảnh Béc-lin đang đối mặt tình trạng dân số già. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken còn kêu gọi cải cách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy giáo dục và hướng nghiệp cho con em các gia đình nhập cư. Chính sách thông thoáng, rộng mở của "đầu tàu kinh tế" EU đã mang lại những kết quả tích cực. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu (ZEW) cho biết, trong năm 2012, mỗi người nước ngoài sống ở Ðức đóng góp trung bình 3.300 ơ-rô tiền thuế và phí an sinh xã hội, nhiều hơn mức họ được hưởng từ hệ thống phúc lợi của Béc-lin.

 

Hiện tại, dòng người nhập cư vào EU đang gia tăng nhanh chóng, bất chấp những nỗ lực kiểm soát cao độ của các nước thành viên. Là "cửa ngõ" để người nhập cư châu Phi vượt biển Ðịa Trung Hải vào châu Âu, I-ta-li-a đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nhập cư, dù "đất nước hình chiếc ủng" không ít lần kêu gọi sự hỗ trợ của EU. Tính từ đầu năm 2014 đến cuối tháng 9 vừa qua, Rô-ma tiếp nhận khoảng 130.000 người nhập cư, chủ yếu đến từ các nước châu Phi, nơi tình trạng nghèo đói và xung đột đang hoành hành. Hành trình tìm đến những "miền đất hứa" để tránh chiến tranh, loạn lạc của nhiều người nhập cư đã buộc họ phải trả giá đắt bằng cả tính mạng. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong năm nay, có khoảng 1.900 người bỏ mạng khi cố gắng nhập cư trái phép vào châu Âu trên những chiếc thuyền quá tải. Với chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ trên biển "Mare Nostrum", trong vòng hơn một năm qua, lực lượng hải quân I-ta-li-a đã cứu hơn 150.000 người gặp nạn trên biển Ðịa Trung Hải khi họ bất chấp nguy hiểm tìm đường đến châu Âu. Chia sẻ nỗi lo ngại với I-ta-li-a, Anh cũng đang chứng kiến dòng người nhập cư trái phép tăng nhanh, đạt mức 583.000 người trong giai đoạn từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014. Còn tại Ðức, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổng số người có nguồn gốc nhập cư là khoảng 16,3 triệu người, chiếm đến một phần năm dân số.

 

Mới đây, OECD kêu gọi các nước nên coi người nhập cư là một nguồn lực lớn của quốc gia, không nên lãng phí; đồng thời khuyến khích thúc đẩy giáo dục để họ có cơ hội đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Có lẽ, đã đến lúc các nước EU hướng đến những giải pháp mang tính hiệu quả lâu dài, thay vì chỉ tập trung siết chặt kiểm soát và trục xuất người nhập cư, để từ đó từng bước tìm ra lời giải cho bài toán khó kéo dài suốt nhiều năm qua.