Hướng tới một thỏa thuận lịch sử nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những thủ phạm khiến Trái đất ấm lên - ngày 1-12, các quan chức từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCC) đã tề tựu tại thủ đô Lima, Peru, tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) và Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10).
COP-20 và CMP10 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa ra tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2020; Liên minh Châu Âu (EU) nêu cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2020-2030 và các nước ASEAN cũng vừa ký tuyên bố chung ASEAN - Mỹ về chống biến đổi khí hậu. Đây là những diễn biến quan trọng trong tiến trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, khi thời điểm 2015 (để thông qua thỏa thuận quốc tế mới) đang cạn dần.
Cuộc đàm phán kéo dài gần 2 tuần lần này tại Peru khởi động khi nhiệt độ của Trái đất từ đầu năm đến nay đã tăng tới mức kỷ lục. Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nhiệt độ trung bình trên đất liền và trong lòng đại dương trên khắp thế giới, tính từ tháng 1 đến tháng 10-2014 đã lên mức cao nhất, kể từ khi cơ quan này bắt đầu lập hồ sơ nghiên cứu khí hậu trái đất vào năm 1880.
Trong bối cảnh đó, tiếp nối hội nghị tại Warsaw (Ba Lan) năm ngoái, COP-20 tại Lima tiếp tục tiến trình thương lượng nhằm đạt một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng. Hiệp định tương lai này sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020; đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Trong khuôn khổ 12 ngày làm việc, đại diện của gần 200 quốc gia sẽ thảo luận các biện pháp cũng như đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Chương trình nghị sự tập trung thảo luận một hiệp ước toàn cầu mới do LHQ bảo trợ xác định mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái đất không quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các quốc đảo nhỏ thậm chí muốn siết chặt mục tiêu trên ở mức 1,5oC. Nếu các bất đồng được thu hẹp và một đồng thuận đạt được về bảo vệ trái đất, Hiệp định Lima sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ là văn bản đầu tiên ràng buộc tất cả các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi giữa các nước phát triển (nước giàu) và các nước đang phát triển (nước nghèo) còn tồn tại nhiều khác biệt như bên nào nhận trách nhiệm cao nhất khi LHQ đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải hạn chế khí thải độc hại. Dù là vấn đề muôn thuở, song đây vẫn là điểm nóng của các hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu. Bởi những bất đồng về lợi ích và trách nhiệm trong hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt toàn cầu luôn là rào cản lớn nhất khiến các bên đã vấp phải khó khăn đi tới một thỏa thuận trong nhiều năm qua.
Thực tế, các nước nghèo đang sử dụng phần lớn nguồn nhiên liệu hóa thạch, đổ lỗi cho các nước phương Tây trong quá khứ đã thải nhiều khí CO2 khiến Trái đất nóng lên và muốn các nước giàu phải nhận trách nhiệm lớn hơn khi giải quyết vấn đề. Nhưng phương Tây lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải chia sẻ trách nhiệm bởi trên thực tế Trung Quốc hiện là quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới. Tiếp đến là Ấn Độ đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Mỹ và EU. Mỹ và nhiều nước giàu trong bối cảnh khó khăn về kinh tế như hiện nay càng không muốn hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo trong cuộc chiến này với lý do Nghị định thư Kyoto không đề ra giới hạn về lượng khí thải với Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Trong khi đó, Tổ chức phi chính phủ Oxfam cho rằng, hành động không đủ mạnh của những nước giàu nhất đang chuyển gánh nặng cho những người dân nghèo nhất thế giới và họ đang lảng tránh trách nhiệm trong một cuộc khủng hoảng lâu dài được dự báo.
Không khó để nhận thấy, đàm phán tại COP-20 sẽ vô cùng cam go bởi sự chia rẽ giữa các nước giàu và các nước nghèo. Và do đó, tiến bộ đạt được tại Lima có thể sẽ một lần nữa bị cản trở. Một trong những thách thức chính cần phải giải quyết tại Peru là mức độ cam kết chung tay giải quyết của từng quốc gia. Dẫu các cuộc thảo luận được dự báo sẽ không dễ dàng, song cùng với những thiện chí và trách nhiệm với mái nhà chung, hy vọng bài toán chống biến đổi khí hậu sẽ có lời giải tại COP-20 ở thủ đô Lima, Peru.