Vụ tấn công trường học tàn bạo ở Pakistan đã gây rúng động thế giới và khiến dư luận quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. 141 người, gồm 132 trẻ em và 9 nhân viên nhà trường, đã thiệt mạng trong vụ thảm sát đẫm máu.
Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời khẳng định những vụ tấn công kiểu này sẽ không làm thay đổi chiến dịch chống khủng bố của Islamabad.
Thủ tướng quốc gia láng giềng Ấn Độ Narendra Modi cũng chỉ trích đây là một vụ tấn công hèn nhát và ghê tởm của các tay súng Taliban.
Nhiều người dân Ấn Độ bày tỏ tức giận trước hành động dã man của các tay súng. Hầu hết mọi người đều sử dụng các từ “tội ác man rợ”, “tội ác chống lại loại người”, “hành động ghê tởm”, “cú sốc choáng váng” và “mất hết nhân tính” để mô tả về vụ thảm sát này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án hành vi hèn hạ của các tay súng khủng bố khi nhằm vào các học sinh và giáo viên.
"Vụ tấn công tàn bạo nhằm vào học sinh và giáo viên một lần nữa cho thấy sự vô đạo đức của bọn khủng bố", nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Ông khẳng định Washington sẽ sát cánh với người dân Pakistan và tiếp tục hỗ trợ chính phủ Pakistan chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng như cực đoan nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho rằng vụ tấn công là "tội ác ghê rợn không thể dung thứ" và kêu gọi phản ứng của toàn thế giới.
“Thế giới cần phải phản ứng trước tội ác ghê tởm này”, ông Renzi viết trên trên mạng xã hội Twitter cá nhân.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ "không có ngôn từ nào có thể lột tả sự hèn hạ của một vụ tấn công nhằm vào trẻ em trong trường học". Ông khẳng định Pháp ủng hộ chính phủ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố và đồng lòng với các nạn nhân cũng như gia đình của các nạn nhân.
Thế giới lên án vụ thảm sát trường học làm 141 người chết ở Pakistan.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier chỉ trích "bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất" đối với vụ tấn công.
“Sự hèn nhát và tàn bạo của hành vi bắt giữ, sát hại trẻ em vượt quá tất cả những gì đã từng xảy ra ở Pakistan trước đó”, nhà ngoại giao Đức nói.
Tổng thống Philippine Benigno Aquino III khẳng định "không có lý lẽ nào biện minh cho thảm kịch khiến cộng đồng Hồi giáo phải hổ thẹn này".
Trên trang cá nhân, chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình 2014 Malala Yousafzai, bé gái từng bị Taliban bắn trọng thương tháng 10/2012, bày tỏ đau lòng trước "hành vi khủng bố tàn ác" ở quê nhà.
“Trái tim tôi tan vỡ trước hành động máu lạnh và vô nghĩa mà những kẻ khủng bố đang tiến hành trước mắt chúng ta. Tôi lên án những hành vi đớn hèn này và sát cánh cùng chính phủ, lực lượng vũ trang Pakistan trong nỗ lực ứng phó với vụ việc”, cô gái 17 tuổi viết.
Trước đó, cảnh sát Pakistan đã tiêu diệt toàn bộ 9 tay súng tham gia vụ tấn công trường học ở Peshawar sau hơn 9 giờ giao tranh.
Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu của cảnh sát đã không thể ngăn được thảm họa kinh hoàng xảy ra ở ngôi trường có khoảng 500 học sinh và giáo viên có mặt tại thời điểm bị các tay súng tấn công.
Theo thông báo của giới chức Pakistan, 9 tay súng mặc quân phục đã tiến vào trong trường và xả súng điên loạn vào bên trong các phòng học làm, ít nhất 132 học sinh và 9 nhân viên nhà trường thiệt mạng. Hơn 120 người khác bị thương.
Có nguồn tin cho biết số người bị thương lên tới 245 người, gồm giáo viên, học sinh, nhân viên nhà trường và nhân viên an ninh. Ba dãy phòng học của nhà trường cũng đã bị phá hủy.
Nhận được tin báo, Thủ tướng Pakistan Nawar Sharif đã tức tốc đến Peshawar để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải cứu con tin và tuyên bố 3 ngày quốc tang.
Ngôi trường trên đào tạo các học sinh từ 9-16 tuổi, chủ yếu là con em các gia đình quân nhân.