Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) P.Mô-ghê-ri-ni cùng các quan chức cao cấp khác vừa "tức tốc" đến Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng làm ấm lại mối quan hệ song phương lạnh giá giữa Brúc-xen và An-ca-ra.
Diễn ra sau khi Nga đóng cửa dự án "Dòng chảy phương Nam" khoảng một tuần, chuyến thăm thể hiện quyết tâm của các nước châu Âu trong "cuộc so găng" tranh giành ảnh hưởng với Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau với dự án khí đốt mang tên "Dòng chảy Xanh" là một đòn nặng nề giáng xuống EU, buộc khối này phải khẩn trương tìm cách đối phó tình hình. Trước thềm chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, bà P.Mô-ghê-ri-ni khẳng định, đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ chiến lược giữa Brúc-xen và An-ca-ra, đồng thời hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia trừng phạt Nga cùng với EU. Bên cạnh động thái lôi kéo An-ca-ra về cùng chiến tuyến, các nước châu Âu cũng níu kéo "xứ sở Bạch Dương" quay lại dự án "Dòng chảy phương Nam" - nguồn cung khí đốt quan trọng cho các nước Nam Âu. Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng châu Âu diễn ra ở Bỉ, Phó Thủ tướng Đức X.Gabri-en hy vọng, một khi căng thẳng giữa Nga và U-crai-na được xoa dịu, dự án "Dòng chảy phương Nam" sẽ sớm được phục hồi.
Phản ứng gấp gáp, vội vàng của một số nước thành viên EU trước việc Nga hủy dự án trên là điều dễ hiểu, bởi những thiệt hại họ phải gánh chịu tương đối nặng nề. Trị giá 40 tỷ USD, "Dòng chảy phương Nam" vốn là dự án đường ống dẫn khí đốt đầy tiềm năng do Tập đoàn Gazprom làm chủ, nhằm xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ lục địa Nga, xuyên qua Biển Đen để vào các nước Trung và Nam Âu, bao gồm Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Hy Lạp, Xlô-vê-ni-a, Crô-a-ti-a và Áo.
Việc hủy dự án sẽ khiến nhiều công ty châu Âu thiệt hại, trong đó, nặng nhất là Tập đoàn ENI của I-ta-li-a với khoảng hai tỷ ơ-rô. Bun-ga-ri, quốc gia luôn muốn theo đuổi dự án đến cùng, sẽ bỏ lỡ cơ hội thu về 400 đến 500 triệu ơ-rô/năm do mất đi nguồn thu từ phí trung chuyển khí đốt. Còn Xéc-bi-a hiện cũng đứng trước nguy cơ "mất trắng" 30 triệu ơ-rô đầu tư vào "dòng chảy" này và không biết phải yêu cầu bên nào bồi thường thiệt hại.
Trên thực tế, một khi dự án khí đốt nêu trên bị ngừng lại, EU không phải bên duy nhất hứng chịu tổn thất. Tập đoàn Gazprom của Nga đã bỏ ra khoản tiền trị giá 4,66 tỷ USD cho tuyến đường ống này trong suốt ba năm qua. Từ bỏ dự án, Mát-xcơ-va cũng mất đi nguồn lợi từ việc bán 63 tỷ m 3 khí đốt mỗi năm cho các nước Nam Âu. Tuy nhiên, Nga đã có những tính toán kỹ càng khi nắn dòng chảy "vàng đen" qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để đi vào châu Âu với dự án mới "Dòng chảy Xanh". Theo đó, Nga có thể tận dụng các đường ống và sự phát triển công nghệ của "Dòng chảy phương Nam" vào việc xây dựng đường ống dẫn sang An-ca-ra, với chi phí chỉ bằng một nửa. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước có vị trí địa-chiến lược nối liền hai châu lục Á -Âu, lại được đánh giá nắm trong tay "vận may bất ngờ" từ cuộc đối đầu khí đốt Nga - EU.
Để đạt được thỏa thuận về "Dòng chảy Xanh", Mát-xcơ-va đã cam kết tăng lượng khí đốt cung cấp cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ khoảng ba tỷ m3/năm và giảm 6% giá bán cho nước này kể từ năm 2015. Cái bắt tay Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là bước để An-ca-ra hiện thực hóa giấc mơ trở thành hành lang năng lượng sang khu vực Nam Âu.
Nga lý giải việc hủy dự án "Dòng chảy phương Nam" là do Brúc-xen phản đối, gây trở ngại cho Nga bằng việc không cấp giấy phép để xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Thế nhưng, đằng sau lý do pháp lý, đây rõ ràng là một nước cờ của Nga trong cuộc đọ sức dai dẳng giữa Mát-xcơ-va và EU chung quanh vấn đề U-crai-na. Giới chuyên gia nhận định, quyết định trên không chỉ thể hiện quyết tâm của Điện Crem-li trong việc đa dạng hóa nguồn cầu cho dòng chảy "vàng đen", mà quan trọng hơn, đó là đòn trả đũa mạnh tay của Mátxcơ-va trước những lệnh trừng phạt từ EU. Thêm một lần nữa, "lục địa già" - nơi đang phụ thuộc tới một phần ba nguồn cung khí đốt từ Nga, lại bị đẩy vào nỗi lo tái diễn kịch bản thiếu năng lượng năm 2009 khi nguồn khí đốt trung chuyển qua U-crai-na bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, việc Nga chọn Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chưa là thành viên của EU do vấp phải những trở ngại từ phía EU, cũng là một lựa chọn hợp lý bởi khối này sẽ khó tìm cách phản đối kế hoạch mới của Nga. Trong bối cảnh cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang bị EU cô lập, việc hai nước xích lại gần nhau và đẩy mạnh hợp tác là một phương án hữu hiệu giúp "vô hiệu hóa" vòng vây này.