Ngày 23-1, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái-lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội cựu thủ tướng Thái-lan, Yingluck Shinawatra vì đã sao nhãng nhiệm vụ của mình trong việc giám sát chương trình trợ cấp lúa gạo và gây thiệt hại cho Thái-lan hàng tỷ bạt. Với lời buộc tội này, bà Yingluck sẽ bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm tới.
Trong phiên họp sáng ngày 23-1 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch NLA Pornpetch Wichitcholchai, các đại biểu NLA đã tiến hành bỏ phiếu kết tội bà Yingluck. Kết quả, hầu hết các đại biểu NLA có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu ủng hộ việc kết tội bà Yingluck. Trong số 219 đại biểu có mặt tại phiên họp, đã có tới 190 phiếu tán thành việc kết tội, trong khi chỉ có 18 phiếu phản đối. Số phiếu ủng hộ này này vượt xa mức yêu cầu 132 phiếu cần thiết để có thể kết tội. Với kết quả này, bà Yingluck sẽ bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm tới. Việc này đồng nghĩa với việc bà cũng sẽ không được tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới tại Thái-lan.
Không chỉ bị kết tội tại NLA, bà Yingluck còn đang đứng trước nguy cơ bị đưa ra xét xử trước Tòa án Tối cao Thái-lan với cáo buộc tham nhũng. Sáng 23-1, tờ Bưu điện Băng-cốc dẫn lời một quan chức của Văn phòng Tổng Chưởng lý Thái-lan (OAG) cho biết ông Trakul Winitchayapak, Công tố viên trưởng Thái-lan đã ký lệnh khởi tố bà Yingluck. Theo đó, bà Yingluck bị khởi tố vì đã không chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo sau khi cơ quan chống tham nhũng phát hiện được một số vi phạm trong chương trình này. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể phải đối diện với một bản án lên tới 10 năm tù giam.
Theo cáo buộc của NACC, trong thời gian làm thủ tướng, bà Yingluck đã sao nhãng nhiệm vụ giám sát chương trình trợ cấp lúa gạo và đã khiến Thái-lan thiệt hại hơn 500 tỷ bạt. Khi đó, chính phủ của bà Yingluck đã tiến hành trợ cấp giá gạo và thu mua gạo của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường tới hơn 40%. Cho tới nay, có khoảng 19 triệu tấn gạo vẫn còn đang tồn đọng trong các kho dự trữ của nước này.
Cũng trong phiên họp ngày 23-1, NLA cũng đã đồng thời bỏ phiếu buộc tội các ông cựu Chủ tịch Thượng viện Nikom Wairatpanij và cựu Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont. Hai ông này bị Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) Thái-lan cáo buộc vi phạm Hiến pháp năm 2007 khi đã tìm cách thông qua việc sửa đổi hiến pháp để thay đổi cơ cấu của Thượng viện. Tuy nhiên, hai ông Nikom và Somsak đã dễ dàng vượt qua được cuộc bỏ phiếu với số phiếu phản đối lời buộc tội lần lượt là 120 phiếu và 115 phiếu.
Phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc bỏ phiếu, ông Pornphet Wichitcholchai nói rằng hai ông Nikom và Somsak không bị buộc tội bởi NACC đã cáo buộc hai ông này vi phạm bản Hiến pháp năm 2007, tuy nhiên bản hiến pháp này đã bị hủy bỏ. Còn về trường hợp bà Yingluck, ông Pornphet khẳng định NACC đã buộc tội bà đã cố tình vi phạm Luật Quản lý Nhà nước do đã dung túng cho sự tham nhũng trong chương trình trợ cấp giá lúa gạo.