Các nỗ lực gia nhập tòa án hình sự quốc tế có thể mở đường cho Palestine khởi kiện quan chức và binh sĩ Israel với cáo buộc tội ác chiến tranh.
Người Palestine đang bước vào một cuộc đối đầu ngoại giao có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay với Israel, sau khi Palestine thúc đẩy các bước gia nhập Tòa án hình sự quốc tế. Các nỗ lực gia nhập tòa án hình sự quốc tế, có thể mở đường cho Palestine khởi kiện các quan chức và binh sĩ Israel về những cáo buộc tội ác chiến tranh. Động thái này vì thế đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Israel và cả Mỹ, một đồng minh thân cận của Nhà nước Do Thái.
Sự thất bại của các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông đã trì hoãn việc hình thành một nhà nước Palestine độc lập và Israel vì thế cũng tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái bất hợp pháp trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine. Do đó, đối với người Palestine, giờ là lúc họ cần phải lựa chọn một giải pháp mang tính pháp lý để “quốc tế hóa” cuộc xung đột mà họ đã nỗ lực giải quyết bằng mọi cách suốt 20 năm qua.
Đây được coi là mối đe dọa lớn đối với Israel bởi người Palestine hy vọng việc tham gia tòa án hình sự quốc tế sẽ mở đường cho họ tìm kiếm công lý chống lại Israel về những tội ác mà nước này đã gây ra tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Theo Tổng thống Abbas, việc làm này là đúng với quyền lợi của người Palestine hướng tới mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trên các đường giới tuyến năm 1967.
“Toàn bộ khu vực này đang bị đốt cháy bởi các cuộc xung đột. Để dập tắt các cuộc xung đột này trước hết cần phải giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi ký 20 thỏa thuận gia nhập các tổ chức quốc tế và đây là quyền của chúng tôi”, Tổng thống Abbas nêu rõ.
Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát dải Gaza cho rằng việc làm này của chính quyền Fatah là một bước đi đúng hướng.
Trong khi đó, như thường lệ, Israel đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái trên của Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tổ chức tham vấn khẩn cấp với các bộ trưởng cấp cao để thảo luận các biện pháp đáp trả động thái của Palestine. Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Israel cho biết, ông Netanyahu có thể sẽ quyết định trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Palestine. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng Tòa án hình sự quốc tế cần phải bác bỏ yêu cầu của chính quyền Palestine bởi Palestine không phải là một nhà nước mà là một thực thể có liên kết với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, vốn bị Israel và Mỹ coi là một tổ chức khủng bố.
“Chúng tôi hy vọng tòa án hình sự quốc tế sẽ bác bỏ đề nghị của chính quyền Palestine. Israel là một nhà nước tuân thủ pháp luật và chúng tôi sẽ bảo vệ các binh sĩ Israel giống như họ đã bảo vệ chúng tôi”, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên với đồng minh Israej, Mỹ cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nỗ lực gia nhập Tòa án hình sự quốc tế của Palestine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeffrey Rathke cảnh báo, động thái của Palestine có thể đẩy các bên xa nhau hơn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó cũng cho rằng, bất kỳ động thái nào của Palestine để gia nhập Tòa án hình sự quốc tế cũng có thể khiến Palestine phải đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm hàng trăm triệu đôla viện trợ hàng năm của Mỹ.
Theo giới phân tích, mặc dù thất bại của Palestine trong cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an được coi là một chiến thắng ngoại giao của Israel song chiến thắng này đã nhanh chóng bị lu mờ khi Tổng thống Palestine Mamoud Abbas nhanh chóng đưa Palestine tiếp cận Tòa án hình sự quốc tế để khởi kiện Israel.
Tờ Thời báo của Israel dẫn lời các luật sư quốc tế cho rằng, với việc xin gia nhập tòa án hình sự quốc tế, Palestine đã chính thức “tuyên chiến ngoại giao” với Israel. Động thái này vì thế đã mở ra một cuộc đối đầu mới trong tiến trình hòa bình Trung Đông- đối đầu thông qua việc sử dụng các công cụ của luật pháp quốc tế./.