Làn sóng phản đối phong trào PEGIDA ở Ðức

11:21, 10/01/2015

Sự trỗi dậy của phong trào cực hữu mang tên "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây" (PEGIDA) trong thời gian gần đây ở Ðức đã làm gia tăng sự lo ngại đối với tình trạng kỳ thị, bài ngoại ngày càng trở nên rõ nét ở nước này.

Trước sự "hung hăng" quá mức của PEGIDA, ở nhiều thành phố tại Ðức, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình, lên án các hành động của PEGIDA.

 

Gần đây, trong bối cảnh phong trào PEGIDA ở Ðức liên tục diễn ra các cuộc tuần hành tại nhiều thành phố, nhằm thể hiện thái độ kỳ thị đối với những người tị nạn Hồi giáo và người nhập cư, thì cũng tại nhiều thành phố ở nước này, hàng chục nghìn người dân xuống đường tham gia các cuộc biểu tình phản đối các hoạt động của PEGIDA. Chính giới Ðức cũng lên tiếng phản đối kịch liệt phong trào biểu tình chống Hồi giáo mang tên PEGIDA đang lan rộng. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2015, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken một lần nữa kêu gọi người dân Ðức đoàn kết, không để chủ nghĩa cực hữu, bài ngoại và chống Hồi giáo có cơ hội phát triển trong xã hội Ðức. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Ðức D.Ga-bri-en nhấn mạnh đến việc nước Ðức được hưởng lợi và tự hào là một quốc gia mở, nơi người dân từ khắp các nền văn hóa khác nhau cùng sinh sống và làm việc.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Ðức P.Xtai-mai-ơ cho rằng, phong trào PEGIDA không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nội bộ nước Ðức, mà còn làm xấu đi hình ảnh của Ðức trên trường quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Ðức V.Soi-blơ khẳng định, các cuộc biểu tình của phong trào PEGIDA không thể xóa đi thực tế rằng, nước Ðức cần có người nhập cư và điều cần làm là phải thể hiện sự đồng cảm, giúp đỡ những người nhập cư gặp nhiều khó khăn. 50 nhân vật nổi tiếng của Ðức thuộc hai lĩnh vực chính trị và kinh tế, trong đó có cựu Thủ tướng G.Sruê-đơ cũng tham gia chương trình chung kêu gọi người dân Ðức phản đối phong trào PEGIDA. Ông Sruê-đơ cho rằng, các đảng phái chính trị và nhà thờ cần thể hiện quan điểm rõ ràng hơn trong việc phản đối PEGIDA. Cựu danh thủ bóng đá O.Bi-hốp, hiện là thành viên Ban lãnh đạo Ðội tuyển quốc gia Ðức cho biết, trong đội tuyển đương kim vô địch bóng đá thế giới có nhiều cầu thủ là người nhập cư. Ðiều này cho thấy, sự hội nhập trong thể thao đã diễn ra thành công và cần được áp dụng rộng rãi trong toàn xã hội Ðức.

 

Trong khi đó, các cuộc biểu tình lớn chống phong trào bài Hồi giáo PEGIDA cũng đồng loạt diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Ðức như Béc-lin, Ham-buốc, Mu-ních, Cô-lô-nhơ, Xtút-gát và Ðre-xđen... Ðể ủng hộ các cuộc biểu tình chống phong trào PEGIDA, các công trình kiến trúc biểu tượng của Ðức như cổng Bran-đen-buốc, nhà thờ Cô-lô-nhơ và trụ sở các cơ quan chính quyền đều được tắt điện với khẩu hiệu "Tắt ánh sáng để chống chủ nghĩa phát-xít mới". Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của chính giới và người dân Ðức, tối 5-1 vừa qua, khoảng 18.000 thành viên ủng hộ phong trào PEGIDA đã tổ chức tuần hành tại Ðre-xđen, nơi được coi là "cứ điểm" của phong trào này. Ðây là cuộc tuần hành đầu tiên do PEGIDA tổ chức trong năm 2015 và là cuộc tuần hành thứ 11 ở Ðre-xđen với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo số liệu thống kê, hiện ở Ðức có khoảng bốn triệu người Hồi giáo, chiếm khoảng 5% tổng dân số. Trong năm 2014, có khoảng 200.000 người tị nạn, phần lớn là từ Trung Ðông, gấp bốn lần so với năm 2012.

 

Tại thành phố Cô-lô-nhơ, bang Nót-rai - Vét-xpha-len, phong trào PEGIDA đã phải hủy bỏ cuộc tuần hành vào giờ chót (trong ngày 5-1) trước làn sóng biểu tình rầm rộ chống phong trào này. Cảnh sát cho biết, tuyến lộ trình biểu tình qua cầu Ranh dẫn tới Nhà thờ chính của thành phố đã bị phong tỏa. Nhiều tòa nhà lớn trong thành phố, trong đó có Nhà thờ Lớn, bị cắt điện để phản đối nạn kỳ thị người Hồi giáo và người nước ngoài của phong trào PEGIDA.

 

THỦ tướng Ðức A.Méc-ken đã nhiều lần kịch liệt chỉ trích sự trỗi dậy của PEGIDA trong thời gian gần đây, đồng thời kêu gọi người dân Ðức mở rộng lòng yêu thương đối với những người tị nạn khốn khổ đến với nước Ðức. Bà Méc-ken nhấn mạnh, người dân Ðức không thể để phong trào PEGIDA lôi kéo, vì các thủ lĩnh và cả những người biểu tình của phong trào này đang thật sự áp đặt thành kiến, sự lạnh nhạt và thậm chí căm thù những người nhập cư đáng thương với những quan điểm sai lầm và cực đoan.