Ðồng minh chiến lược

09:29, 31/01/2015

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tới A-rập Xê-út vừa diễn ra chóng vánh, song hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề chủ chốt trong quan hệ đồng minh. Tiến hành ở thời điểm Quốc vương Xan-man vừa lên ngôi với nhiều thách thức, cuộc gặp cấp cao Mỹ - A-rập Xê-út được cho là sự khẳng định Mỹ luôn "kề vai sát cánh" với đồng minh chiến lược trong khu vực.

Dựa trên những lợi ích chung, quan hệ giữa Mỹ và A-rập Xê-út luôn khăng khít. Sau khi các mỏ dầu lớn được phát hiện dưới lòng đất của A-rập Xê-út trong thập niên 30 của thế kỷ trước, vương quốc xa xôi này đã trở thành đối tác chính của Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới. Mỹ cần từ A-rập Xê-út sự bảo đảm an ninh năng lượng, đổi lại Ri-i-át cần được che chở dưới "chiếc ô an ninh" của cường quốc số một thế giới. Loạt vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại A-rập Xê-út hồi năm 2003 đã đánh dấu bước ngoặt lớn thúc đẩy Ri-i-át trở thành đồng minh vững chắc của Mỹ trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa. Là nước có vị trí địa-chính trị quan trọng, A-rập Xê-út được coi là nước nắm trong tay chiếc chìa khóa thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Trung Ðông đầy rối ren. Ðó cũng là lý do Mỹ cần tới A-rập Xê-út trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay. Các máy bay tiêm kích của vương quốc này nằm trong số lực lượng đầu tiên đến hỗ trợ không quân Mỹ oanh kích IS tháng 9-2014. Trong chuyến thăm của ông B.Ô-ba-ma, một trong những chủ đề được đề cập là sự hợp tác giữa hai đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra khốc liệt.

 

Trong bối cảnh khu vực Trung Ðông diễn biến phức tạp, quan hệ giữa Mỹ với "ông vua dầu mỏ" luôn được duy trì nhằm bảo đảm lợi ích của cả hai bên trong lĩnh vực dầu mỏ cũng như an ninh khu vực. Dù Mỹ mở rộng khai thác dầu đá phiến và giảm sự phụ thuộc nguồn cung dầu mỏ từ A-rập Xê-út, nhưng hợp tác dầu mỏ giữa hai bên vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ đồng minh. Việc A-rập Xê-út bất chấp giá dầu thế giới liên tục lao dốc, tiếp tục duy trì sản lượng khai thác đã giúp Tổng thống Ô-ba-ma thúc đẩy nỗ lực phục hồi kinh tế Mỹ. Hơn nữa, hai bên được cho là đã thực hiện "cái bắt tay ngầm" trong cuộc chiến giá dầu mới đây nhằm gây sức ép đối với các nhà sản xuất dầu mỏ Nga và I-ran.

 

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và A-rập Xê-út dù mặn nồng, song cũng từng trải qua những lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Quan hệ đồng minh từng rất mong manh sau khi chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma làm mất mặt đồng minh bởi quyết định ngừng tiến công Xy-ri vào phút chót trong năm 2013 cũng như đã có những bước cải thiện quan hệ với I-ran, "đối thủ" của A-rập Xê-út ở khu vực. Những căng thẳng ngấm ngầm diễn ra giữa hai đồng minh khi A-rập Xê-út chỉ trích Tổng thống Ô-ba-ma quá mềm mỏng trong giải quyết vấn đề hạt nhân với I-ran cũng như không hài lòng khi người đứng đầu Nhà trắng quyết định không can thiệp vũ lực lật đổ Tổng thống Xy-ri B.Át-xát như Ri-i-át mong muốn. Và ý định của Tổng thống Ô-ba-ma muốn thúc đẩy vấn đề hạt nhân của I-ran từng bị Ri-i-át coi là "mối nguy hiểm lớn nhất từ bên ngoài".

 

Với một vài "cấn cá" giữa hai nước, chuyến thăm lần này là cơ hội để Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định với tân Quốc vương của A-rập Xê-út về sự coi trọng quan hệ đồng minh thông qua các cuộc thảo luận về hàng loạt vấn đề "nóng" của khu vực như vấn đề hạt nhân của I-ran và tình hình bất ổn ở Y-ê-men. Cuộc khủng hoảng chính trị và bất ổn ở Y-ê-men có thể gây bất lợi cho nước láng giềng A-rập Xê-út khi lực lượng tiếm quyền ở Y-ê-men thù địch với Ri-i-át và thân I-ran. Thêm vào đó, biến động chính trị tại Y-ê-men cũng đã làm hạn chế các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm truy quét các phần tử An Kê-đa. Sự thay đổi chính quyền ở Y-ê-men khiến Mỹ mất đi bàn đạp quan trọng trong việc triển khai chính sách Trung Ðông nói chung và tiến hành cuộc chiến chống khủng bố nói riêng.

 

Sự "tăng nhiệt" của các điểm nóng ở Trung Ðông khiến Mỹ phải đương đầu không ít khó khăn. Oa-sinh-tơn cần sự sát cánh của Ri-i-át trong cuộc chiến chống IS ở I-rắc và Xy-ri. Dù trải qua không ít sóng gió, song quan hệ đồng minh với A-rập Xê-út vẫn là "hòn đá tảng" trong chính sách của Mỹ ở Trung Ðông và mối quan hệ này càng được củng cố khi hai bên vẫn rất cần nhau vì những lợi ích chung.