WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2015

10:29, 14/01/2015

Bất chấp giá dầu liên tục giảm, ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2015 và 2016.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo “Global Economic Prospects” cho biết WB nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 có thể chỉ ở mức 3,0%, thay vì 3,4% như trong báo cáo công bố hồi tháng 6/2014. Theo tổ chức tài chính lớn nhất thế gIới này, sang năm 2016, kinh tế toàn cầu dự báo cũng sẽ chỉ đạt 3,3%, so với mức dự báo 3,5% đưa ra trong báo cáo lần trước và năm 2017 thậm chí còn thấp hơn, dự kiến có thể chỉ đạt 3,2%.

 

Báo cáo cho biết nguyên nhân giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là vì viễn cảnh kinh tế Khu vực đồng euro và kinh tế Nhật Bản không mấy sáng sủa. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB, ông Kaushik Basua cho rằng kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm đáng lo ngại. Viễn cảnh kinh tế Mỹ và kinh tế Anh trong năm 2015 sáng sủa, nhưng kinh tế toàn cầu lại u ám hơn, cho dù giá dầu trong năm 2014 đã giảm gần 60%, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi. Cũng theo dự báo của WB, giá dầu giảm sẽ làm giảm ít nhất 0,1% GDP kinh tế toàn cầu năm 2015.

 

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế, Xã hội của Liên hợp quốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) ngày 13/1 đưa ra nhận định rằng kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 5,8% trong năm 2015, tăng nhẹ so với mức 5,4% của năm 2014 nhờ lạm phát và giá dầu mỏ giảm.

 

Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn báo cáo của ESCAP công bố ngày 13/1 cho biết tăng trưởng tại khu vực sẽ được thúc đẩy nhờ sự cải thiện của các nền kinh tế tại Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Papua New Guine, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc Điều hành ESCAP, Tiến sỹ Shamshad Akhtar, bất kể triển vọng sáng sủa đó, rất nhiều nền kinh tế đang phát triển tại khu vực phải đối mặt với những hạn chế về cấu trúc kinh tế, vốn đang kiềm chế tiềm năng tăng trưởng của họ. Tiến sỹ Akhtar cho rằng sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết vẫn là bài toán hóc búa, do đó tăng trưởng kinh tế vẫn không tạo ra động lực tối đa cho tăng trưởng việc làm.

 

Theo báo cáo của ESCAP, cải cách cấu trúc tại Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ giúp hai nước này đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,4% và 5,6% trong năm 2015, tăng so với mức 5,5% và 5,2% của năm 2014. Tăng trưởng tại Trung Quốc được dự báo sẽ đạt khoảng 7,0% trong năm 2015. Kinh tế Nhật Bản cũng có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2015, tăng so với mức 0,5% của năm 2014.

 

Đối với Việt Nam, ESCAP dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2015 có thể đạt 6,0%, tăng so với mức 5,8% của năm 2014. ESCAP cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức khi các khó khăn trong ngành ngân hàng vẫn đang kiềm chế nhu cầu nội địa. Các khoản cho vay khó đòi có chiều hướng tăng trong nửa đầu năm 2014, trong khi đó tăng trưởng tín dụng của năm 2014 vẫn yếu dù Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách lãi suất thấp.

 

Tuy vậy, ESCAP cho rằng kinh tế Việt Nam cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Xuất khẩu tiếp tục được duy trì tốt bất chấp những gián đoạn trong sản xuất và du lịch giai đoạn giữa năm 2014 khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang triển khai kế hoạch gia tăng vai trò lớn hơn cho ngành tư nhân trong nền kinh tế và việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước cũng đang được đẩy mạnh. Điều đó sẽ giúp tăng cường chất lượng đầu tư tại Việt Nam trong những năm tới.