Báo động khủng hoảng nhân đạo tại miền đông U-crai-na

08:24, 24/02/2015

Bất chấp nỗ lực hòa giải của các bên và lệnh ngừng bắn được ký kết, gần đây, các vụ bạo lực đẫm máu liên tiếp xảy ra tại miền đông U-crai-na. Xung đột kéo dài nhiều tháng qua khiến tình hình nhân đạo tại khu vực này ngày càng xấu đi, nhất là trong bối cảnh các khoản trợ cấp xã hội và hoạt động nhân đạo bị hạn chế.

Cuộc khủng hoảng ở Ucrai-na đang trở thành một trong những xung đột đẫm máu nhất trong thập kỷ qua tại châu Âu. Theo Văn phòng LHQ về điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), tính từ trung tuần tháng 4-2014 đến nay, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người. Số người dân phải di cư vượt quá một triệu người, tăng gấp ba lần kể từ tháng 8 năm ngoái. Đáng chú ý, trong bối cảnh miền đông Ucrai-na chưa yên tiếng súng, gần 5,2 triệu người vẫn mắc kẹt ở khu vực chiến sự nguy hiểm và cần được hỗ trợ nhân đạo. Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cho biết, người dân tại khu vực lực lượng đòi độc lập ở miền đông kiểm soát đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc men, lương thực, nhất là trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt. Tình hình đặc biệt khó khăn với các đối tượng như người bệnh, người già và trẻ nhỏ.

 

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), gần 150 trường học tại miền đông U-crai-na phải đóng cửa. Tình hình tại các khu vực do chính quyền Ki-ép kiểm soát cũng không sáng sủa hơn khi hàng trăm cơ sở giáo dục bị phá hủy hoặc hư hại. Kể từ đầu tháng 9-2014, khoảng 50.000 trẻ em không thể đi học trở lại. UNICEF cho biết, hơn 1,7 triệu trẻ em ở khu vực xung đột đang ở trong tình trạng "vô cùng nghiêm trọng".

 

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hệ thống y tế tại U-crai-na đang có nguy cơ sụp đổ và việc tiếp cận dịch vụ y tế trở nên khó khăn hơn đối với người dân sống trong các khu vực chiến sự. Khoảng 60 ngôi làng hoàn toàn bị "bỏ rơi" khi không có nhân viên y tế nào. Tại Đô-nhét-xcơ và Lugan-xcơ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giảm xuống mức tối thiểu. Hơn 50 cơ sở y tế bị phá hủy, trong khi khoảng 30% đến 70% số nhân viên đã rời bỏ các khu vực xảy ra xung đột hoặc chết. WHO ước tính, cần ít nhất 23 triệu USD để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng ở miền đông, trong đó có 1,4 triệu người "dễ bị tổn thương" và cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

 

Trong khi đó, với ngân sách thiếu thốn hiện nay, Chính phủ U-crai-na không có đủ nguồn lực tài chính để đối phó tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở miền đông. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) bày tỏ quan ngại về việc Ki-ép tuyên bố, từ ngày 1-12-2014, ngừng trả lương hưu và trợ cấp xã hội cho cư dân sinh sống tại khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập. Để nhận được trợ cấp, người dân vùng Đôn-bát phải ra khỏi khu vực do phe đòi ly khai kiểm soát và đăng ký với nhà chức trách U-crai-na. UNHCR cho rằng, không phải ai cũng có khả năng rời vùng chiến sự. Vì vậy, người già, trẻ em và người bệnh, những đối tượng dễ tổn thương nhất đang "bị bỏ quên".

 

Trước thực trạng nhân đạo báo động tại miền đông Ucrai-na, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đang tích cực hỗ trợ người dân nơi đây. UNICEF đã cử chuyên gia đến 10 trường học bị phá hủy tại Đô-nhét-xcơ và Lu-ganxcơ để chuẩn bị xây mới và cung cấp thiết bị giáo dục cho các cơ sở này. Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tiếp tục phân phối quần áo và thẻ ăn miễn phí cho người di cư, cũng như người dân ở khu vực đang thuộc quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập ở miền đông. Các nước cũng tiếp tục vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo, chủ yếu là lương thực, thuốc men, vật liệu xây dựng đến miền đông U-crai-na.

 

Từ tháng 8-2014 đến nay, Nga đã chuyển hơn 14.500 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ. Tuy nhiên, OCHA cho biết, hoạt động viện trợ nhân đạo đến miền đông U-crai-na đang bị cản trở bởi tình hình chiến sự ngày càng ác liệt.

 

Chín tháng trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng Ucrai-na bùng phát, xung đột bạo lực vẫn tiếp tục leo thang. Các nhà phân tích nhận định, việc viện tới giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng trong xã hội U-crai-na là một sai lầm chiến lược của Kiép, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, trong đó tình hình nhân đạo ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát chính là hậu quả nhãn tiền.