Ai cho phép dùng “Thượng phương bảo kiếm”?

14:39, 11/03/2015

Một cơ quan vốn hoạt động rất lặng lẽ nhưng lại có siêu quyền lực, đó là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật đảng của Trung Quốc. Cơ quan này nằm ngoài hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng có đặc quyền thực hiện chức năng của các cơ quan công an, kiểm sát và thậm chí cả việc định tội danh đối với những kẻ tham nhũng.

Không cần lệnh của các cơ quan nhà nước, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật đảng có quyền khám xét, thu thập bằng chứng và có quyền bỏ tù bất cứ đảng viên nào phạm tội (dĩ nhiên khi cần họ có quyền chỉ đạo, điều hành lực lượng công an, kiểm sát, tòa án phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh của họ).

 

Ai cho phép cơ quan này được dùng “Thượng phương bảo kiếm” (Thượng phương bảo kiếm là vật biểu tượng cho quyền uy và sự hiện diện của nhà vua, người được vua trao kiếm khi cần thiết sử dụng nó với nhân danh Thánh chỉ, không ai được phép kháng lệnh - ở thời Tống của Trung Quốc) để không ai có quyền ngăn cản khi thi hành công vụ? Ai cũng có thể suy luận, đứng đằng sau hậu thuẫn cho cơ quan kiểm tra này chắc chắn phải là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Chính phủ Lý Khắc Cường. Hai vị đứng đầu Đảng và Chính phủ Trung Quốc trong nhiệm kỳ này được đánh giá thuộc lớp lãnh đạo trong sạch, không bị “nhúng chàm”, không có tai tiếng về việc lạm quyền và tham nhũng. Những người đứng đầu quốc gia như vậy tất yếu sẽ có uy lực cầm cương trong cuộc chiến chống tham nhũng.

 

Vì là cơ quan chống tham nhũng có quyền năng và có sức mạnh đặc thù, vì vậy mới có thể “lôi” được “con cọp lớn” Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị), vốn là người đứng đầu ngành an ninh, đứng đầu cơ quan điều tra, nắm giữ quyền lực cực kỳ lớn vẫn phải chịu tội. Người ta đặt giả thiết nếu vụ án Chu Vĩnh Khang giao cho công an điều tra, rất có thể sẽ bị rơi vào bế tắc, vì “người” thuộc cấp của ông Chu có thể làm sai lệch hồ sơ, loại bỏ tình tiết để không đủ căn cứ cấu thành tội phạm, không khép được tội vị lãnh đạo để truy tố trước pháp luật.

 

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc được nhắm đến mọi đối tượng ở các cấp, ngành, khẩu hiệu “Chống tham nhũng không có vùng cấm” đang trở thành nỗi ám ảnh và sự bất an cho rất nhiều quan chức cấp cao có hành vi tham nhũng nhưng chưa bị điều tra.

 

Trong nhiều năm qua, hàng chục quan chức tham nhũng sợ bị bắt sẽ liên lụy đến gia đình, mất tài sản nên đã tự sát, hoặc cuỗm tài sản trốn ra nước ngoài. Rất nhiều nhân vật ngày hôm trước còn là những chính trị gia, người quản lý, lãnh đạo được coi là sáng giá, ngày hôm sau đã trở thành tội đồ vì tham nhũng và bị tống vào ngục.

 

 Ngoài việc chống tham nhũng ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, gần đây việc tấn công chống tham nhũng trong lực lượng công an và quân đội được coi là những bước đi táo bạo, vì ở các lĩnh vực an ninh, quốc phòng bấy lâu nay được coi là bất khả xâm phạm. Từ năm 2012 đến nay, hàng trăm quan chức trong ngành an ninh, quân đội đã phải vào tù vì tham nhũng. Hiện nay có 14 tướng cao cấp trong quân đội đang chờ xét xử như: Quách Bá Hùng, Quách Thanh Lương, Từ Tài Hậu (họ vốn là những người thân tín của nguyên Tổng Bí thư Giang Trạch Dân).

 

Ở Trung Quốc, nạn tham nhũng tràn lan là hệ quả của một thời gian dài quyền lực ít được kiểm soát, kẻ có quyền lạm quyền, người có tiền thì lạm tiền, nhiều cán bộ tha hóa, tham nhũng không được ngăn chặn, cơ chế quản lý tài chính không công khai, minh bạch… Đó là những nguyên nhân căn bản của nạn tham nhũng. Cuối năm 2011, khi sắp chuyển giao quyền lực, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp tục cảnh báo: Nếu nạn tham nhũng không được đẩy lùi, có thể sẽ làm cho Đảng, Nhà nước và chế độ sụp đổ… Bất kể họ là ai và quyền lực lớn thế nào nếu tham nhũng đều phải đưa ra xét xử”. Việc chống tham nhũng ở Trung Quốc đã được từ mấy thập niên qua nhưng chưa bao giờ trở thành quyết tâm, với quy mô rộng lớn và xử lý nhiều loại đối tượng như hiện nay. Trước đây cũng đã có khá nhiều quan chức cấp cao bị xử lý, tiêu biểu như Thành Khắc Kiệt (Phó Chủ tịch Quốc hội), Trần Hy Đồng (Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), Trần Lương Vũ (Bí thư Thượng Hải)…

 

Sở dĩ việc chống tham nhũng ở Trung Quốc có hiệu quả là nhờ có cơ quan chống tham nhũng độc lập, có đủ chức năng, quyền lực, cơ chế thực thi nhiệm vụ. Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã bắt và xử lý gần 30 nghìn quan chức cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố có hành vi tham nhũng và điều tra 24 nghìn người vi phạm nguyên tắc Đảng.