Hoạt động tưởng niệm thảm họa kép tại Nhật Bản diễn ra trên nhiều nước

08:03, 11/03/2015

Ngày 11/3 tròn 4 năm xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter, kéo theo sóng thần tại Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của khoảng gần 19.000 người và phá hủy một phần rộng lớn khu vực Đông Bắc nước này.

Không chỉ tại Nhật Bản, các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong thảm họa này cũng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới.

 

Hàng trăm trẻ em tại dải Gaza ngày 9/3 đã tổ chức một lễ hội thả diều để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số trong trận động đất và sóng thần xảy ra cách đây 4 năm tại Nhật Bản. Sự kiện do Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên Hợp Quốc (UNRWA) tổ chức, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân Nhật Bản.

 

Những cánh diều mang hình dạng khác nhau, nhưng đều kèm theo những dòng chữ thể hiện tình đoàn kết giữa người dân Nhật Bản và Palestine. Những đứa trẻ tham gia cuộc thi cũng mặc những chiếc áo phông với khẩu hiệu “Chúng tôi yêu Nhật Bản”.

 

Một đứa trẻ tham gia cuộc thi chia sẻ: “Người dân Nhật Bản rất tuyệt vời. Họ thể hiện tình đoàn kết với chúng tôi trong những lúc khó khăn. Cháu muốn tham gia sự kiện này để thể hiện tình đoàn kết với người dân Nhật Bản”.

 

Hàng trăm người dân Đức cuối tuần qua cũng tập trung tại Cổng Brandenburg của nước Đức để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm họa động đất sóng thần và Nhật Bản cách đây 4 năm.

 

Hãng sản xuất bút máy và đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ Montblanc có kế hoạch tung ra thị trường những chiếc bút làm từ gỗ của cây thông may mắn trụ lại được sau thảm họa kép tại Nhật Bản.

 

Montblanc chế tạo 113 cây bút - con số gắn liền với thời điểm xảy ra thảm họa ngày 11/3 và dự tính bán những sản phẩm đặc biệt này trong lễ tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra thảm họa kép. Sản phẩm đặc biệt này sẽ có giá 520.000 yên (tương đương 4.400 USD)/chiếc và 20% doanh thu sẽ được dành tặng cho người dân xứ Phù Tang.

 

Trận động đất mạnh 9 độ richter tấn công Nhật Bản gây sóng thần, cuốn trôi nhiều thị trấn, làng mạc dọc bờ biển đông bắc Nhật Bản. Hơn 2.600 người vẫn đang trong danh sách mất tích.

 

Bên cạnh những mất mát về người, thảm họa cũng đã để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cho đất nước Nhật Bản. 4 năm đã trôi qua, nỗ lực tái thiết sau thảm họa của Nhật Bản đã đạt được nhiều bước tiến và được quốc tế ghi nhận.

 

Tuy nhiên, nhiều quan chức Nhật Bản cũng thừa nhận, con đường tái thiết vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn phía trước, đặc biệt liên quan đến việc kiểm soát lượng nước phóng xạ bị rò rỉ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng như tái định cư cho hàng trăm nghìn người vẫn đang phải đi sơ tán.

 

Người đứng đầu nhóm giám sát hoạt động kiểm soát phóng xạ hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tại Nhật Bản Juan Carlos Lentijo cho biết, Nhật Bản đã đưa ra những bước tiến đáng kể trong việc khắc phục sự cố hạt nhân sau thảm họa kép. Tuy nhiên, an toàn tại địa điểm bị ảnh hưởng vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

 

“Chúng tôi nhận thấy, tình hình tại khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang rất phức tạp. Rất cần thiết để duy trì an toàn ở mức cao nhất trong tất cả các bước đi tiêu hủy nước nhiễm độc. Các chuyên gia của IAEA đang tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề này”, Juan Carlos Lentijo nói.

 

Hoàn thành nhà ở lâu dài cho 230.000 người đi sơ tán cũng đang gặp nhiều khó khăn do khó tìm thấy vùng đất thích hợp cũng như thiếu công nhân và nguyên vật liệu xây dựng. Hàng trăm km rừng, đất nông nghiệp vẫn chưa thể tái canh tác vì lượng phóng xạ.

 

Tại khu nhà máy điện hạt nhân, lượng phóng xạ từ lâu không còn xâm nhập vào không khí, nhưng các công nhân ở đây vẫn tiếp tục cuộc chiến kiểm soát nước nhiễm độc rò rỉ.

 

Một quan chức tại tỉnh Fukushima cho rằng, mọi việc vẫn chưa hoàn thành. Phải mất 30 năm nữa hoặc nhiều hơn nữa, và khẳng định kế hoạch tái thiết sau thảm họa sẽ là một cuộc chiến kéo dài và đầy khó khăn./.