Kinh tế Campuchia tiếp tục tăng trưởng nhanh

17:26, 26/03/2015

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán, kinh tế Campuchia năm nay có thể tăng trưởng 7,3%, và năm 2016 sẽ tăng 7,5%, cao hơn mức thực tế 7% năm 2014, chủ yếu nhờ nền kinh tế các nước đối tác thương mại chính của Campuchia được cải thiện và tình hình chính trị tại Campuchia đã “lắng dịu” sau khi các bên đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong Quốc hội.

Tại cuộc họp báo mới đây ở thủ đô Phnom Penh công bố báo cáo Viễn cảnh Phát triển châu Á 2015 của ADB, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng này, ông Jan Hansen cho biết, ADB dự đoán xuất khẩu của Campuchia năm nay sẽ tăng do nên kinh tế Mỹ, Thái-lan và Liên hiệp châu Âu (EU) – những đối tác thương mại chính của Campuchia sẽ được cải thiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi.

 

Theo ông Jan Hansen, ADB đưa ra dự báo khả quan về kinh tế Campuchia còn dựa trên các yếu tố như giá xăng dầu giảm, nhu cầu trong nước tiếp tục tăng mạnh, thâm hụt ngân sách giảm, thâm hụt thương mại thu hẹp, sản lượng nông nghiệp dự đoán sẽ tăng.

 

ADB dự đoán ngành công nghiệp Campuchia sẽ tăng trưởng 9,7% và ngành dịch vụ tăng 8,1% trong năm 2015. Trong những năm tới, theo dự đoán của ADB, những lĩnh vực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Campuchia sẽ dần được đa dạng hóa sang công nghiệp nhẹ, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào dệt may, xây dựng, du lịch và nông nghiệp như hiện nay.

 

Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Campuchia năm 2014 đã chậm lại với lượt du khách tới nước này chỉ tăng 7%, lên mức 4,5 triệu, chủ yếu do bất ổn chính trị trong nước và sự sụt giảm về lượng du khách tới từ Thái-lan. Tuy nhiên, ADB dự đoán, du lịch Campuchia năm nay sẽ tăng tốc nhanh do tình hình chính trị tại nước này và tại Thái-lan đã được cải thiện.

 

Một yếu tố thuận lợi nữa cho nền kinh tế Campuchia là các cuộc biểu tình đòi tăng tiền công trả cho công nhân ngành may mặc– ngành đóng góp khoảng ba phần tư vào GDP nước này - đã không còn sau khi lực lượng an ninh can thiệp, và lương tối thiểu trong ngành này được Bộ Lao động ấn định ở mức 128 USD, tăng so với mức 100 USD trước đó, có hiệu lực từ đầu năm nay.

 

Tuy nhiên, ông Hansen cũng nêu ra những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất lợi cho nền kinh tế Campuchia. Các cuộc biểu tình của công nhân ngành may Campuchia vào năm ngoái đã gây tác động tiêu cực, khiến các bạn hàng nước ngoài giảm mạnh các đơn đặt hàng dệt may. Tăng trưởng giảm tốc trong ngành dệt may và nông nghiệp của Campuchia trong năm ngoái đã khiến nền kinh tế nước này lệ thuộc nhiều hơn vào ngành xây dựng và bất động sản, những ngành đôi khi có thể gây “tổn thương” về tài chính, vì thế cần có sự điều tiết và giám sát chặt chẽ trong những năm tới.

 

Việc tăng lương tối thiểu cho công nhân ngành may mặc trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực về mặt hàng này, cũng có thể gây bất lợi cho ngành may mặc Campuchia. Theo ông Hansen, nhà chức trách Campuchia nên theo dõi yếu tố này trong những năm tới.

 

Ông Hansen cũng kêu gọi Chính phủ Campuchia theo dõi sát sao sự gia tăng nhanh chóng của tín dụng tư nhân. Tỷ lệ tín dụng tư nhân trên GDP của nước này đã tăng từ mức 45% năm 2013 lên gần 55% năm 2014. Mức này là tương đối cao đối với một quốc gia thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp. Ông Hansen nhấn mạnh, điều này có thể cho thấy khả năng xảy ra “tổn thương” nào đó về tài chính trong năm tới.

 

Trong báo cáo Viễn cảnh Phát triển châu Á năm 2015, ADB cũng đã kêu gọi Campuchia nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ năng của lực lượng lao động và tăng cường ưu đãi dành cho đầu tư nước ngoài.