Kinh tế Lào tăng trưởng ổn định

09:42, 21/03/2015

Trong những năm gần đây, kinh tế Lào không ngừng tăng trưởng và phát triển ổn định, với GDP tăng bình quân 7,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1.700 USD giai đoạn 2013-2014.

 Những thành tựu đó tạo thuận lợi để Chính phủ Lào thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm lần thứ 7 trong năm nay cũng như các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

 

Những năm qua, Lào đã thực thi nhiều sách lược phát triển kinh tế, trong đó nổi bật là các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài; coi trọng xây dựng đặc khu kinh tế; thúc đẩy toàn diện sáu chiến lược thương mại lớn, gồm ngoại thương, sản xuất sản phẩm và quản lý xuấtnhập khẩu, dịch vụ thương mại quá cảnh, phát triển thị trường và quản lý hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực và quản lý hành chính; tăng cường hợp tác kinh tế khu vực và tích cực phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) hiện là một trong những động lực chính đối với nền kinh tế Lào. Kể từ khi Lào thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988 đến nay, nước này đã thu hút được hơn 22 tỷ USD với hơn 4.500 dự án của các nhà đầu tư đến từ 54 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực đầu tư nhiều nhất vẫn là khoáng sản với giá trị đầu tư lên đến 5,7 tỷ USD, tiếp đến là điện lực 5,1 tỷ USD, nông nghiệp 2,7 tỷ USD và dịch vụ hơn 2,3 tỷ USD... Nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế, Lào không ngừng mở rộng hợp tác giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều nước, nhất là với Việt Nam và các đối tác ở khu vực châu Á.Việt Nam hiện tiếp tục nằm trong tốp ba nước dẫn đầu về đầu tư vào Lào với hơn 400 dự án, tổng vốn hơn năm tỷ USD.Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế Lào, tạo việc làm cho hàng vạn người địa phương, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội cho địa phương có dự án đầu tư. Đi đôi với phát triển kinh tế, Lào đã đẩy mạnh phát triển các hoạt động xã hội, tạo ra sự hài hòa trong phát triển.

 

Năm 2014, công cuộc phát triển đất nước Lào đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực: Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững; tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 7,5%, cao hơn năm 2013; tỷ lệ lạm phát ở mức bình quân 5,16%; thâm hụt ngân sách ở mức 4,34%. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội thu nhiều kết quả tốt đẹp. Đời sống nhân dân được cải thiện; công tác giảm nghèo đạt tiến bộ đáng kể, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước xuống còn 8,11%. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc lần đầu tại CHDCND Lào mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) T.Na-ca-ô tái khẳng định sự ủng hộ của ADB đối với sự phát triển kinh tế theo hướng bền vững của Lào. Bên cạnh sự nổi lên của các ngành công nghiệp như du lịch và xây dựng, tiêu dùng cá nhân cũng đang trở thành một động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế của Lào. Việc tăng cường nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và cải thiện quản lý vĩ mô sẽ giúp Lào phát huy tiềm năng kinh tế của nước này. ADB dự báo, nền kinh tế Lào sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay và năm tới.

 

Năm 2015 sẽ là năm cuối Lào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm lần thứ 7 và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đưa Lào thoát khỏi danh sách nước kém phát triển vào năm 2020 và chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm lần thứ 8 (2016-2020). Đây cũng là năm Lào gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.Bên cạnh nhiều thuận lợi, Lào cũng đối mặt những khó khăn, tồn tại cần phải vượt qua, như nguồn dự trữ trong nước còn yếu, kinh tế còn phụ thuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu nguyên liệu thô, hạ tầng sản xuất còn lạc hậu... Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực xuất khẩu của Lào, rồi tác động của thiên tai...

 

Nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính 2014-2015 là 7,5%, trong đó khu vực kinh doanh được kỳ vọng là đầu tàu của nền kinh tế, với đóng góp dự kiến khoảng 1,9 tỷ USD, đồng thời kiềm chế lạm phát thấp hơn mức tăng GDP và nâng mức dự trữ ngoại tệ. Dự kiến, trong năm tài chính này, ngành nông nghiệp sẽ tăng 3%, chiếm 23,7% GDP; công nghiệp tăng 8,9%, chiếm 29,1% GDP và dịch vụ tăng 9,1%, chiếm 39% GDP, bảo đảm đưa nền kinh tế phát triển bền vững.