Ngày 29-3 tới, cử tri Pháp sẽ tham gia cuộc bầu cử địa phương vòng hai để lựa chọn những ứng cử viên có đủ năng lực gánh vác công việc liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của họ.
Kết thúc vòng một diễn ra ngày 22-3 vừa qua, Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen tiếp tục gây bất ngờ, xếp thứ hai (25,2%), sau Đảng cánh hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân và Liên minh Dân chủ - Độc lập (UMP-IDU) (29,4%). Đảng Xã hội (PS) cầm quyền và liên minh cánh tả chỉ đứng thứ ba với 24%. Vậy liệu FN có còn tiếp tục gây được bất ngờ tại vòng hai diễn ra vào ngày 29-3 tới?
Một tin vui cho PS là trước khi diễn ra cuộc bầu cử, Bộ Lao động Pháp vừa công bố số người đăng ký thất nghiệp tháng hai tại Pháp giảm so với tháng một.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng là một trong những điểm yếu của PS để Chủ tịch đảng cánh hữu đối lập UMP Nicolas Sarkozy công kích. Ông Sarkozy cho rằng, cử tri quay lưng lại với đảng PS là do trong ba năm qua, chính phủ cánh tả đã không thực hiện được các cam kết với người dân là đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Tổng thống Francois Hollande từng nói rằng ông sẽ không tái tranh cử vào năm 2017 nếu như không giải quyết được trình trạng thất nghiệp ở mức cao, tuy nhiên trong những tháng gần đây vấn đề này đang có một số dấu hiệu khả quan.
Tại vòng một, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ước đạt 50,6% (so với năm 2011 là 44%). Số cử tri vắng mặt là 49,4%.
Việc UMP giành thắng lợi càng củng cố vị thế cho ông Sarkozy sau bốn tháng đảm nhiệm chức chủ tịch đảng. Ông Sarkozy nói rằng, lá phiếu cũng chính là sự khởi đầu của một sự thay đổi lớn về chính trị. "Người Pháp muốn thay đổi rõ ràng, bắt đầu với các cuộc bầu cử địa phương. Một chính phủ mới đang đến và không có gì ngăn cản được điều đó” - ông Sarkozy nói với những người ủng hộ và các phóng viên tại Paris.
Đối với UMP và cá nhân ông Sarkozy, chiến thắng ở cuộc bầu cử địa phương được coi là rất quan trọng vì nó sẽ là nền tảng cho cuộc bầu cử khu vực vào tháng 12 tới và hy vọng được các đảng viên đề cử làm ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Trong nội bộ đảng UMP còn các gương mặt sáng giá khác như hai cựu Thủ tướng François Fillon và Alain Juppé.
Hai đối thủ truyền thống là PS và UMP đã cảnh báo về tương lai của nước Pháp nếu đảng FN lên nắm quyền vì đảng này theo đuổi chủ trương phục hồi nước Pháp, tách khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, hạn chế người nước ngoài nhập cư, nhất là sau khi một số thành phần Hồi giáo cực đoan gây ra các vụ khủng bố ở Paris vừa qua.
Theo đánh giá, cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh được coi là cơ hội để bà Marine Le Pen tạo nền tảng vững chắc chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2017.
Nhiều người đặt câu hỏi là nếu như UMP và FN liên minh với nhau thì sao? Tuy nhiên, ông Nicolas Sarkozy đã thẳng thừng bác bỏ rằng, sẽ không có liên minh giữa UMP và FN.
Thủ tướng Manuel Valls cũng phải thừa nhận rằng, cử tri ủng hộ cho FN “quá mạnh” và tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu quá cao. Ông Valls cho biết, vòng một chưa quyết định điều gì và ông kêu gọi cử tri hãy đi bỏ phiếu ủng hộ cho PS trong vòng bầu cử thứ hai. Ông cũng kêu gọi người dân và các đảng phái hãy tỏ ra sáng suốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không bỏ phiếu cho đảng FN.
Các chuyên gia cho rằng, đà chiến thắng của FN đã kịch trần và sẽ chỉ nắm được phần nhỏ ở các tỉnh trong vòng bầu cử thứ hai vì nhiều khả năng cử tri sẽ quay sang ủng hộ UMP và PS. Liên minh UMP-UDI sẽ được hưởng lợi từ việc các cử tri ủng hộ đảng PS dồn phiếu cho UMP trong trường hợp họ phải lựa chọn giữa UMP và FN. Nhận định này đúng hay không chúng ta phải chờ kết quả sau ngày 29-3 tới.