Ngoại trưởng Mỹ đến Pháp thảo luận hạt nhân Iran

08:24, 08/03/2015

Ngày 7/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thủ đô Paris (Pháp) để thúc đẩy sự ủng hộ của châu Âu đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran trong bối cảnh Pháp quan ngại về việc liệu có thể ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân hay không.

Tới Paris từ thủ đô London (Anh) trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du kéo dài một tuần, Ngoại trưởng Kerry dự kiến sẽ thông báo vắn tắt với người đồng cấp Pháp, Đức và Anh về tiến trình đàm phán hạt nhân Iran. Đầu tuần này, ông Kerry cũng đã dành 3 ngày ở Thụy Sĩ để tiến hành các cuộc đàm phán nước rút với người đồng cấp Iran Javad Zarif nhằm tạo cơ hội đi tới một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) khi thời hạn chót 31/3 đang tới gần.

 

Dự kiến, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ có cuộc gặp song phương đầu tiên với người đồng cấp Mỹ trong ngày 7/3. Trong phát biểu đưa ra trước cuộc gặp, ông Fabius cho rằng "đã có tiến bộ" trong tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, song trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến quy mô làm giàu urani của Iran, sự giám sát của cộng đồng quốc tế và thời hạn hiệu lực của thỏa thuận.

 

Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận vẫn còn những khác biệt đáng kể trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Nhà nước Hồi giáo cũng sẽ phải bao gồm các biện pháp giám sát và kiểm tra có hiệu quả.

 

Iran và nhóm P5+1 khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân từ cuối năm 2013 và đã đạt được những bước tiến đáng kể, mở ra hy vọng cho việc đạt được một thỏa thuận khung vào trước cuối tháng 3 và thỏa thuận chi tiết toàn diện trước cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, hiện giữa hai bên vẫn chưa đạt được nhất trí trong một số vấn đề chủ chốt, nhất là về quy mô làm giàu urani của Iran và tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

 

Để thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận, trong những tuyên bố gần đây nhất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép Iran được giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân tái chế, thay vì chỉ 4.500 thanh như trước đây, đồng thời chỉ yêu cầu Iran tạm ngừng chương trình hạt nhân trong tối thiểu 10 năm, thay vì 20 năm hay vĩnh viễn như các đòi hỏi trước đó. Tuy nhiên, Tehran kiên quyết bác bỏ việc ngừng chương trình hạt nhân như phía Mỹ đưa ra.