Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan cải thiện quan hệ

07:59, 14/03/2015

Mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa hai nước láng giềng Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan thời gian gần đây đang được cải thiện.

Ðộng cơ chính xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả hai bên trong bối cảnh tình hình an ninh tại mỗi nước đều đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bất ổn vẫn tiềm tàng.

 

Sau một thời gian dài nghi kỵ lẫn nhau, Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan đang có những bước đi cụ thể nhằm cải thiện mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa hai nước. Cụ thể, cuối tháng 1 vừa qua, tại I-xla-ma-bát, các chỉ huy cấp cao của Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan tiến hành cuộc họp năm ngày, thảo luận các vấn đề an ninh quan trọng, trong đó tập trung bàn việc quản lý khu vực biên giới cũng như tăng cường hợp tác chống khủng bố giữa hai nước. Cuộc họp trên diễn ra ít ngày sau chuyến thăm của hai chỉ huy quân sự cấp cao Pa-ki-xtan đến Áp-ga-ni-xtan cũng bàn về hợp tác giữa lực lượng an ninh hai nước nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu vực biên giới chung.

 

Các cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh tại mỗi nước đều có những diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn. Quân đội Pa-ki-xtan đang phải "gồng mình" chiến đấu với lực lượng Ta-li-ban và các nhóm vũ trang khác tại khu vực bộ lạc Bắc Oa-di-ri-xtan giáp Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan cũng phải "căng sức" dẹp tan sự chống phá ác liệt của Ta-li-ban ở thị trấn Dan-gam, thuộc tỉnh Cu-na sát biên giới với Pa-ki-xtan, cũng như ở nhiều khu vực khác trên cả nước sau khi các lực lượng nước ngoài rút hết quân chiến đấu khỏi Áp-ga-ni-xtan cuối năm 2014.

 

Thêm vào đó, trong những tháng gần đây đã xuất hiện các bằng chứng cho thấy các phần tử Ta-li-ban tại Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan "theo đuôi" lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến hai nước này không thể "khoanh tay đứng nhìn". Truyền thông quốc tế đưa tin, hàng chục tay súng từng thuộc lực lượng Ta-li-ban tại Pa-ki-xtan, trong đó có nhiều thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới này đã tuyên bố liên minh với tổ chức IS. Nhiều tờ rơi kêu gọi ủng hộ IS đã được tìm thấy tại nhiều khu vực phía tây bắc Pa-ki-xtan và ít nhất năm chỉ huy cấp cao Ta-li-ban tại Pa-ki-xtan cùng một số tay súng Ta-li-ban nhánh Áp-ga-ni-xtan đã tuyên bố hỗ trợ IS tại khu vực Nam Á. Các động thái trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tổ chức cực đoan IS đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các nhóm phiến quân tại Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan.

 

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 9-2014, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni đã tìm cách cải thiện mối quan hệ "nhiều sóng gió" giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan bị xấu đi nghiêm trọng trong thời kỳ cựu Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai nắm quyền. Ông Ca-dai thường xuyên cáo buộc Pa-ki-xtan bảo trợ cho Ta-li-ban lật đổ chế độ của ông này; trong khi đó, I-xla-ma-bát chỉ trích Ca-bun hành động chưa đủ cứng rắn nhằm đóng cửa các căn cứ Ta-li-ban trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, mà từ đó phiến quân dùng để tiến công Pa-ki-xtan. Tổng thống Ga-ni chọn Pa-ki-xtan là một trong những điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, kêu gọi mở ra kỷ nguyên mới về hợp tác và tin cậy lẫn nhau trong mọi lĩnh vực giữa hai nước. Giới lãnh đạo Pa-ki-xtan cũng nhấn mạnh sự coi trọng cải thiện mối quan hệ với nước láng giềng Áp-ga-ni-xtan. Thủ tướng Pa-ki-xtan N.Sa-ríp cam kết rằng, Pa-ki-xtan hoàn toàn ủng hộ tiến trình hòa bình và tái thiết ở Áp-ga-ni-xtan. Ðáng chú ý, cuộc chiến chung chống khủng bố giữa hai nước được đẩy mạnh sau vụ tiến công ngày 16-12-2014 nhằm vào một trường học quân sự ở TP Pê-sa-oa, thuộc tỉnh Khi-bơ Pắc-tun-khoa, tây bắc Pa-ki-xtan, làm 150 người chết, trong đó có 134 học sinh. Pa-ki-xtan coi vụ thảm sát này là "vụ khủng bố 11-9 quy mô nhỏ" và thay đổi chính sách quốc gia trong cuộc chiến chống các lực lượng cực đoan. Ngay trong đêm cùng ngày, Thủ tướng Pa-ki-xtan Sa-ríp đã điện đàm với Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ga-ni, thảo luận về cách thức hai nước có thể tăng cường phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố.

 

Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan có đường biên giới chung dài khoảng 2.500 km. Lợi dụng địa hình hiểm trở ở khu vực biên giới này, các tay súng nổi dậy và cực đoan thường tìm cách vượt biên mỗi khi lực lượng an ninh mở các đợt truy quét phiến quân ở khu vực biên giới. Sự tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực an ninh, là cực kỳ cần thiết nhằm chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan hiệu quả hơn, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.