“Tổng công trình sư” của đảo quốc huyền thoại

10:41, 25/03/2015

Từ một nước tài nguyên nghèo nàn trở thành một quốc gia giàu có, từ một nước nhỏ bé nhưng lại trở thành một nền kinh tế lớn đó là Singapore. Đất nước quốc đảo sư tử này đã hóa rồng trở thành huyền thoại.

Gắn với những kỳ tích đó là tên tuổi của một nhân vật đặc biệt mà dư luận coi ông là một “Tổng công trình sư” làm nên một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới: Đó là ông Lý Quang Diệu - Người vừa tạ thế. Ông qua đời, cả thế giới tiếc thương, kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt.

 

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời ở tuổi 91.
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu

Ông là chính khách của một nước nhỏ nhưng có uy tín và ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới. Trong lời chia buồn gửi nhân dân Singapore, Tổng thống Mỹ Obama đã viết: “Ông ấy là người khổng lồ thực sự của lịch sử, người sẽ được các thế hệ nhớ tới như là cha đẻ của Singapore hiện đại và là một nhà chiến lược vĩ đại về các vấn đề châu Á”.

 

Singapore là một vùng đất vốn thuộc quyền cai trị của thực dân Anh và trong lịch sử đã từng nằm trong nhà nước Malaysia, chính thức trở thành quốc gia độc lập từ năm 1965. Singapore vốn là vùng đất nghèo nàn, hầu như không có tài nguyên, khoáng sản, phải nhập khẩu các loại nguyên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thậm chí nhập cả nước ăn và nước sinh hoạt. Mấy thập niên làm Thủ tướng (1965-1990), ông Lý Quang Diệu - người thuyền trưởng vĩ đại - đã đưa quốc đảo nhỏ bé này trở thành một quốc gia nổi tiếng, phồn vinh. Ông đã biến Singapore thành một đất nước phát triển bậc nhất với phương cách, giải pháp làm giàu phi truyền thống, không dựa vào tài nguyên tự nhiên mà là dựa vào tri thức (giống như các nước Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia rất nghèo tài nguyên nhưng lại là các cường quốc kinh tế). Sở dĩ đất nước này phát triển giàu có như vậy là do bí quyết tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.  Singapore dùng chính sách ưu việt đầu tư tối ưu để đào tạo nguồn nhân lực và thu phục nhân tài bốn phương. Một câu nói nổi tiếng của ông Lý Quang Diệu: “Nếu chiến thắng cuộc đua trong giáo dục sẽ chiến thắng trong cuộc đua kinh tế, vì giáo dục tạo ra nguồn nhân lực, đặc biệt giáo dục chất lượng cao sẽ quyết định sự phát triển của cả quốc gia”. Nền giáo dục của quốc đảo nhỏ bé này đã chứng minh chân lý đó (chỉ tính riêng năm 2010, đất nước chỉ có trên 5 triệu dân nhưng đã đầu tư cho giáo dục - đào tạo trên 8 tỷ đô la Singapore, tương đương gần 6 tỷ USD). Singapore là điển hình của thế giới về việc xây dựng nền kinh tế dựa vào tri thức, dựa vào tài nguyên con người. Việc đào tạo, trọng dụng nhân tài, trọng dụng lao động chất lượng cao đã trở thành một thương hiệu quốc gia.

 

Quốc đảo này cũng đã trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, giao thương nhộn nhịp của thế giới. Có nhiều lĩnh vực xếp trong nhóm các nước hàng đầu châu Á như dịch vụ cảng biển, công nghiệp sản xuất và sửa chữa tàu biển, lọc hóa dầu, chế tạo các sản phẩm cơ khí hiện đại, là một trong những cường quốc hàng đầu về sản xuất linh kiện điện tử, ổ máy tính và hàng bán dẫn.

 

Nhiều năm liên tục, Singapore nằm trong tốp 10 quốc gia có thu nhập tính theo đầu người cao nhất thế giới, năm 2014 đạt gần 60 nghìn USD/người. Đất nước này cũng có số tỷ phú bình quân cao nhất so với toàn cầu, tính theo tỷ lệ dân số toàn quốc. Thủ tướng Singapore có mức lương cao nhất thế giới với gần 3 triệu USD mỗi năm (Tổng thống Mỹ khoảng 400 nghìn USD).

 

Singapore là đất nước phát triển toàn diện, có nền giáo dục - đào tạo và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân ưu việt. Năm 2014, châu Á có 24 trường đại học lọt vào tốp 200 trường đại học hàng đầu thế giới, trong đó nước này có một đại diện - đó là Đại học quốc gia Singapore.

 

Hiện nay có hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài (của khoảng 70 quốc gia) theo học tại nước này. Nền giáo dục - đào tạo của Singapore xếp hàng đầu châu Á, với nội dung, chương trình đào tạo cơ bản áp dụng theo mô hình các nền giáo dục tiên tiến của các nước phương Tây. Các trung tâm đào tạo liên kết chặt chẽ với các trường đại học hàng đầu thế giới của Mỹ, Anh, Pháp.