Có nên xem môn ngôn ngữ lập trình là một môn ngoại ngữ?

08:32, 05/04/2015

Theo tờ Bloomberg, có ít nhất bốn bang của Mỹ, trong đó có bang Washington, đang trong quá trình xem xét cho phép học sinh trung học được lựa chọn môn học lập trình thay vì học ngoại ngữ. Đề xuất này đang gây tranh cãi rằng phải chăng môn học này quan trọng hơn và có thể thay thế được môn ngoại ngữ.  

Theo đề xuất này thì đây là một cách tiếp cận giúp sinh viên dễ dàng kiếm việc làm và tham gia hoạt động kinh doanh ở thị trường toàn cầu hơn. Theo tổ chức Code.org thì đến năm 2020, nước Mỹ cần 1,4 triệu chuyên gia khoa học máy tính trong khi chỉ có 400.000 sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu.

 

Trong năm 2013, bang Texas đã thông qua quy định cho phép sinh viên đại học được lựa chọn môn công nghệ máy tính thay vì ngoại ngữ, trong khi bang Georgia đang xem xét một quy định tương tự vào tuần vừa qua.

 

Tuy nhiên, cô Martha Abbott, từng là một giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha và Latin ở trường trung học cho rằng ý tưởng này đang đi sai hướng. Theo cô Abbott thì mọi người cần biết thêm ngoại ngữ để kết nối với phần còn lại với thế giới.

 

Nhiều giáo viên đồng ý với ý kiến của cô Abbott. Họ cho rằng các môn học không giống nhau, như môn hình học không thay được môn lịch sử, và các môn học không thể thay thế được cho nhau.

 

Ông Reykdal, một nhà lập pháp của bang Washington, cho biết ông sẽ dừng đề xuất này lại cho đến khi có buổi họp với các giáo viên dạy ngoại ngữ và tìm cách thúc đẩy cả môn học ngoại ngữ và môn khoa học máy tính.

 

Trong khi ở bang Kentucky, thượng nghị sỹ David Givens đã không thông qua đề xuất quy định cho phép lựa chọn học môn lập trình máy tính thay cho một môn ngoại ngữ. Trong phiên điều trần về đề xuất của mình, các thầy giáo ngoại ngữ đã lên tiếng và ông đã bác dự luật. Ông cho biết ông rất cảm ơn về điều này vì ông đã không hiểu được họ nói gì khi họ mắng ông bằng tiếng nước ngoài.

 

Cho dù tranh luận có thể còn tiếp diễn thì môn khoa học máy tính vẫn là một môn học quan trọng như môn học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga hay một tiếng nước ngoài khác.