Số người chết do động đất tại Nepal đã vượt quá 2.200, trong khi đó, ngày 26-4 tiếp tục chứng kiến các cơn dư chấn mạnh tại Nepal và cả các nước Ấn Độ, Bangladesh, gây ra thêm các đợt lở tuyết trên dãy núi Himalaya.
Cảnh sát cho biết, ít nhất 700 người trong số những người thiệt mạng là ở Thủ đô Kathmandu của Nepal, số người bị thương vào khoảng 5.463 người.
Cơn dư chấn có cường độ 6,7 độ richter tại khu vực giữa Thủ đô Kathmandu và ngọn núi Everest được ghi nhận trong ngày 26-4 là cơn dư chấn mạnh nhất kể từ sau trận động đất mạnh 7,9 độ richter một ngày trước đó (25-4).
Cơn dư chấn này đã gây ra thêm các đợt lở tuyết mới trên dãy núi Himalaya, làm rung lắc các tòa nhà tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ và làm ngưng hệ thống tàu điện ngầm của thành phố này.
Tại Thủ đô Kathmandu của Nepal, các nhân viên y tế đã phải đưa các giường bệnh ra bên ngoài đường phố để điều trị cho các bệnh nhân do quá nguy hiểm để giữ họ bên trong các tòa nhà bệnh viện.
Tại núi Everest, 17 thi thể đã được tìm thấy vào ngày 26-4 sau khi gặp phải những trận lở tuyết do động đất gây ra, trong thảm họa tồi tệ nhất trên ngọn núi này tính đến thời điểm hiện tại.
Có gần 1.000 người leo núi và hướng dẫn viên leo núi có mặt trên núi Everest khi xảy ra đợt lở tuyết đầu tiên. Các máy bay trực thăng đã có thể di chuyển trong sáng ngày 26-4 khi trời quang mây để sơ tán những người bị thương ở độ cao thấp và đưa họ về Thủ đô Kathmandu.
“Tình trạng trên núi rất lộn xộn. Con số thương vong có thể tăng lên”, Gelu Sherpa, một trong số 15 người leo núi bị thương được chuyển tới Thủ đô Kathmandu cho biết. “Các lều trại đã bị thổi bay”, ông Sherpa nói thêm.
Trận động đất đã phá hủy phần lớn các công trình lịch sử lâu đời tại thung lũng Kathmandun, san phẳng 90% các quảng trường công cộng, các tòa tháp của Phật giáo và các ngôi đền của Hindu giáo.
Hàng nghìn người Nepal đã ở bên ngoài qua đêm trong nhiệt độ lạnh giá và mưa nhỏ, họ quá sợ để có thể quay về những ngôi nhà của mình vốn đã bị phá hủy nặng nề do trận động đất.
Các tổ chức cứu trợ cho biết các bệnh viện tại thung lũng Kathmandu đã quá tải và cạn kiệt trang thiết bị y tế.
Trận động đất và các cơn dư chấn sau đó đã làm 49 người thiệt mạng tại Ấn Độ. Trong khi, tại Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, số người chết đã tăng lên 17 người, còn tại Bangladesh, số người chết là bốn người.
Ấn Độ đã điều một máy bay quân sự chở theo trang thiết bị y tế và các đội cứu hộ đến Nepal. Nước này cho biết cũng đã điều thêm 285 thành viên của Lực lượng ứng phó với thảm họa quốc gia.
Trung Quốc cũng đã cử đội hộ của nước này tới hỗ trợ Nepal. Trong khi quân đội Pakistan cho biết, đã điều bốn máy bay C-130 với 30 giường bệnh, các nhu yếu phẩm viện trợ cùng các đội tìm kiếm và cứu nạn hỗ trợ Nepal.
Văn phòng của Liên hợp quốc tại (LHQ) Thủ đô Kathmandu cho biết, ước tính có khoảng 6,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Điều phối viên thường trú của LHQ tại Nepal, Jamie McGoldrick, đã có cuộc gặp với các quan chức chính phủ nước này, đề nghị hỗ trợ Chính phủ Nepal ứng phó với thảm kịch này.