Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, người Mỹ đã can dự vào rất nhiều cuộc chiến ở trên thế giới và không ngừng củng cố, thiết lập quan hệ đặc biệt với các đồng minh ở châu Âu, châu Á.
Do đó dư luận cho rằng Mỹ đã vô tình bỏ “sân sau” của mình đó là khu vực Mỹ latin rộng lớn. Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ mới đây được coi là một động thái trở lại “sân sau” của Mỹ. Hoa Kỳ đã phát đi tín hiệu mới đó là thiết lập lại quan hệ với khu vực Mỹ latin, đặc biệt là mong muốn tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ với một số nước vốn là thù địch với Mỹ để trở thành bạn.
Việc định danh khu vực rộng lớn từ Trung Mỹ đến Nam Mỹ và các nước vùng Caribe là Mỹ latin là vì các quốc gia này chịu ảnh hưởng của văn hóa, ngôn ngữ Latin (văn hóa, ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), có đặc điểm khác với Bắc Mỹ là Hoa Kỳ và Canada chủ yếu chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ, văn hóa Anh.
Về địa chính trị, Mỹ latin là khu vực khá đặc biệt, tuy nằm cùng châu lục, thậm chí nhiều nước là láng giềng của Mỹ nhưng họ không theo mô hình Mỹ, có nhiều nước luôn tìm mọi cách để tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ, thậm chí có một số nước công khai chống Mỹ như Cuba, Venezuela. Mỹ latin có diện tích trên 21 triệu km2, bao gồm 19 quốc gia, có gần 600 triệu dân, tổng GDP hiện nay đạt trên 5 nghìn tỷ USD. Trong đó có nhiều nước lớn như Brazil với 200 triệu người, Mexico 113 triệu người, Colombia 46 triệu người, Argentina 40 triệu người…
Trong lịch sử, Mỹ latin vốn là vùng đất nằm dưới sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Thế kỷ XX, nhiều nước là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Khu vực Mỹ latin có trên 70% dân số là nông dân, nhưng 2/3 số nông dân không có ruộng đất, phải đi làm thuê kiếm sống.
Mấy thập niên qua, phong trào cánh tả phát triển mạnh, hiện nay khoảng một nửa số quốc gia Mỹ latin do các đảng cánh tả lãnh đạo. Đảng cánh tả có mục tiêu xây dựng đất nước theo thiên hướng xã hội chủ nghĩa – là đảng đối lập với các đảng phái thân Mỹ. Từ giữa thế kỷ XX, phong trào đòi dân chủ, dân quyền phát triển, mạnh làm hậu thuẫn cho các đảng cánh tả luôn thắng thế trong các cuộc bầu cử. Các đảng cánh tả lên cầm quyền đã thực hiện việc dân chủ hóa, chống bất công xã hội, xóa bỏ những đặc quyền của tầng lớp cai trị do chế độ thực dân để lại, xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất, bênh vực, tạo điều kiện cho người bản xứ được hưởng các quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội.
Các nước Mỹ latin như Cuba, Venezuela, Bolivia, Ecuador luôn có tư tưởng xây dựng đất nước theo thiên hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều nước lớn do đảng cánh tả cầm quyền lãnh đạo như Brazil - nữ Tổng thống Rousseft (tái cử) đã nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng, bà đặc biệt quan tâm đến tầng lớp lao động và có các chính sách xóa đói giảm nghèo hiệu quả. (năm 2014, Brazil đã phát hiện và tố cáo Mỹ do thám tình báo hoạt động của các nhà lãnh đạo nước này, sự việc dẫn đến bà Tổng thống phải hủy bỏ một chuyến công du đến Mỹ). Tổng thống Bolivia là ông Morales (người bản địa da đỏ), từ năm 2006 làm Tổng thống đã hai lần tái cử, làm Tổng thống 3 khóa liên tục. Ông cũng là một nhân vật có tư tưởng chống đối sự can thiệp của Mỹ, chống đối văn hóa, lối sống Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tổ chức tại Panama vừa qua được coi là một bước ngoặt quan trọng của châu lục này. Hội nghị đã đánh dấu việc người Mỹ muốn quay trở lại thắt chặt quan hệ với các nước vốn được gọi là “sân sau” của Mỹ. Và điều nổi bật là lần đầu tiên Cuba tham dự, Hoa Kỳ có thái độ cởi mở hơn đối với hai quốc gia vốn là thù địch là Cuba và Venezuela. Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Cuba, Tổng thống Mỹ Obama đã nói: “Theo thời gian, chúng tôi có thể mở ra trang sử mới và phát triển mối quan hệ mới”. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố: “Venezuela không phải là mối đe dọa đối với an ninh nước Mỹ”. Trước đây, hai nước này luôn bị Mỹ khép tội là bảo trợ khủng bố và Hoa Kỳ tìm mọi cách để hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập để chống lại Chính phủ hai nước này.
“Sân sau” của Mỹ trong những thập niên gần đây đã bị nhiều cường quốc lặng lẽ xâm nhập. Trung Quốc đã đầu tư vào khu vực này nguồn vốn khổng lồ (khoảng 200 tỷ USD). Tại “Diễn đàn Trung Quốc với cộng đồng các quốc gia Mỹ latin, vùng Caribe” tổ chức ở Bắc Kinh (tháng 1-2015), phía Trung Quốc khẳng định trong 10 năm tới sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 250 tỷ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác, lọc hóa dầu và xây dựng hạ tầng giao thông. Nguyên thủ các nước Trung Quốc, Nga và Nhật Bản cũng đã thăm chính thức hầu hết các nước trong khu vực này và có hàng trăm dự án đầu tư vào Mỹ latin. Một loạt các nước ở Tây bán cầu đã có quan hệ kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật với Nga, đặc biệt nhiều nước là bạn hàng vũ khí của Nga và cho phép tàu quân sự Nga có thể ra vào các hải cảng của họ.
Mỹ latin đang không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước ngoài châu lục này và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là sự có mặt của Trung Quốc và Nga đã làm cho Mỹ có cảm giác bất an. Có thể vì thế mà Hoa Kỳ đã có những động thái mới đó là quay trở lại “sân nhà” và tìm kiếm cơ hội để biến những nước vốn là thù địch bấy lâu nay trở thành bạn ở khu vực Mỹ latin.