Sự xuất hiện và những thủ đoạn giết người tàn độc của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm cho cả thế giới lo ngại sâu sắc, Tổng thống Syriaad-Assad có thêm một kẻ thù mới.
IS ra đời và hiện diện, phát triển lực lượng đều ở các quốc gia đang trong bối cảnh nội bộ rất phức tạp. Lybia, Irắc, đặc biệt là Syria là “thành trì” của IS, chúng đã chiếm cứ một vùng đất rộng lớn ở miền Đông và Bắc Syria, khu vực Tây và Bắc Irắc. Ở các nước này tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn bất ổn, nhiều đảng phái, tôn giáo, nhiều nhóm khủng bố tranh giành quyền lực. Trước khi chưa xuất hiện các chiến binh của IS, tổ chưc Al-Qaeda và nhiều lực lượng luôn chống đối chính phủ. Vì thế việc huy động các nguồn lực và tập hợp lực lượng chống lại IS rất khó khăn vì lòng người ly tán. Thậm chí có những tổ chức đối lập với chính quyền còn muốn cho Nhà nước của Tổng thống al-Assad bị suy yếu khi mở thêm các cuộc chiến chống IS.
Quân đội của Tổng thống al-Assad đánh lực lượng IS hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn rất nhiều, nhưng họ lại không được quốc tế hậu thuẫn về tài chính và vũ khí. Chính quyền Syria hiện nay cùng một lúc phải chống lại IS, Al-Qaeda và các nhóm chính trị (có vũ trang) đối lập với ông al-Assad, được Mỹ hậu thuẫn. Một nghịch lý trớ trêu là Mỹ và chính quyền Syria cùng chung kẻ thù IS, nhưng họ lại là kẻ thù của nhau.
Tổng thống al-Assad đã nói: “Quân đội của Syria đánh IS trong một ngày hiệu quả bằng cả liên quân do Mỹ cầm đầu đánh trong một tuần”. Trong khi đó Mỹ và phương Tây lại cung cấp vũ khí cho những đội quân của lực lượng đối lập luôn chống đối ông al-Assad. Đội quân chống đối chính quyền Syria luôn được Mỹ cung cấp vũ khí để chống IS. Tổng số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho phe đối lập Syria kể từ khi cuộc nội chiến xảy ra ở nước này từ năm 2011 đến nay là khoảng 400 triệu USD, mục đích là để củng cố lực lượng, vũ trang lật đổ ông al-Assad, một nhân vật luôn thách thức chống lại Mỹ và phương Tây. Mỹ cũng đã cung cấp cho lực lượng đối lập với Chính phủ Syria hàng trăm triệu USD để chống lại các cuộc tấn công mở rộng lãnh thổ của IS.
IS hiện có hàng chục nghìn tay súng được chiêu mộ từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ riêng ở Syria mỗi tháng có hàng nghìn người gia nhập lực lượng chiến binh của tổ chức này. Nhiều nhóm phiến quân thuộc các nhóm khủng bố khác cũng tình nguyện gia nhập IS. Đội quân IS được thế giới đánh giá là mạnh hơn, tàn bạo, man rợ hơn cả Taliban.
Sau 4 năm xảy ra nội chiến đã đẩy 80% dân số Syria bị bần cùng hóa, hàng triệu người thiếu ăn, thiếu nước sạch, 65% dân số thất nghiệp, cơ sở vật chất hoang tàn, 3 triệu người phải ra nước ngoài tỵ nạn. Syria bấy lâu nay được coi như con bài của các nước lớn. Nga từ trước đến nay luôn ủng hộ Chính phủ của ông al-Assad và cho rằng đây là Chính phủ hợp pháp, Tổng thống được bầu cử công khai, dân chủ. Mỹ và phương Tây thì lại tìm mọi cách lật đổ ông al-Assad, họ không ngừng hậu thuẫn cho phe đối lập (mâu thuẫn giữa Mỹ với Syria ngày càng gay gắt, mới đây quân đội Syria lại bắn rơi thêm một máy bay do thám hiện đại của Mỹ trên không phận nước này).
Trong bối cảnh hiện nay Syria không ngừng tăng cường quan hệ với Nga. Gần đây ông al-Assd đã ngỏ ý muốn cho phép Nga tái xây dựng lại căn cứ quân sự tại nước này - một vị thế địa lý chiến lược quan trọng đã được xây dựng từ thời Liên Xô, án ngữ cả một vùng biển và lục địa rộng lớn.
Hiện nay Nga đang trở thành nhân tố chính có thể làm trung gian hòa giải cho những xung đột phe phái ở Syria. Đầu năm nay, 28 nhân vật của các đảng phái, sắc tộc, nhóm lợi ích khác nhau của Syria đã có mặt ở Nga nhằm tìm giải pháp cho cuộc nội chiến. Dù hội nghị không đạt được những kết quả cụ thể nhưng cuộc gặp gỡ lịch sử đã mở ra một hy vọng mới cho việc tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp theo để tìm một lối đi đưa Syria ra khỏi cuộc nội chiến.
Dư luận cho rằng mặc dù Mỹ luôn muốn đánh đổ ông al-Assad, nhưng trong bối cảnh hiện nay Mỹ cũng rất lo sợ ở một đất nước đang hỗn loạn này có thể sẽ có một chế độ mới lên cầm quyền còn có tư tưởng chống Mỹ và phương Tây cực đoan hơn chế độ hiện nay của ông al-Assad.