“Nước sạch từ đầu nguồn’’ bị nhiễm bẩn

16:05, 22/04/2015

Đất nước nổi danh với những “kỳ tích sông Hàn” trong khoảng 3 thập niên qua trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, mặc dù xuất phát điểm từ một nước nghèo nàn, lạc hậu.

Hiện nay Hàn Quốc là một trong 20 nền kinh tế lớn thế giới, GDP khoảng 1 nghìn 300 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng trên 30 nghìn USD/ năm. Có nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa có năng lực cạnh tranh thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

 

Những nguyên nhân góp phần làm nên kỳ tích của Hàn Quốc đó là quốc gia này có một nền chính trị dân chủ, bộ máy trong sạch, nền kinh tế minh bạch, công khai với các cơ chế thông thoáng tạo mọi động lực cho phát triển. Tuy nhiên có nhiều giai đoạn, thời điểm, Hàn Quốc cũng rơi vào tình trạng thiếu sự công khai, minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế dẫn đến tham nhũng, nhiều quan chức cấp cao nhà nước, doanh nghiệp tha hóa.

 

Từ lâu người Hàn Quốc đã đưa ra nhận định là để chống được tham nhũng phải thực hiện phương châm “Nước sạch từ đầu nguồn”. Nghĩa là muốn chống được tham nhũng trước hết phải làm trong sạch đội ngũ quan chức Quốc hội, Chính phủ sau đó mới có thể làm trong sạch được công chức, bộ máy nhà nước, quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, một thể chế được coi là công khai, minh bạch của Hàn Quốc cũng không làm thế nào để gạt bỏ hết được tham nhũng, tiêu cực.

 

Mới đây nhất cố Chủ tịch Tập đoàn Keangnam (hoạt động các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, môi trường, nội thất…) ông SungWan - Jong sau khi tự sát đã để lại tài liệu tiết lộ nhiều khoản tiền hối lộ cho các quan chức, nhân vật chính trị, vi phạm các quy định của pháp luật. Tiêu biểu như vụ việc năm 2013 ông đã cho cựu Thủ tướng Lee Wan – Koo (vừa đệ đơn từ chức) 27 nghìn USD để phục vụ mục đích cá nhân tranh cử vào Quốc hội. Sau khi thông tin này bị tiết lộ, ngày 20-4 vừa qua, ông này đã chủ động từ chức Thủ tướng.

 

Cựu Tổng thống  Roh –Moo hyun (giai đoạn 2003 -2008) trước khi tranh cử, ông đã cam kết sẽ  quyết tâm chống nạn tham nhũng, nhưng sau khi nghỉ hưu ông lại bị cáo buộc là tham nhũng, nhận hối lộ. Cuộc đời ông cuối cùng dẫn đến một kết cục bi thảm là nhảy xuống núi tự sát. Trước việc ông tìm giải pháp tự tử kết thúc cuộc đời, có nhiều suy đoán khác nhau, người cho rằng ông ân hận vì đã tham nhũng, cũng có người cho rằng ông bị oan, vì lòng tự trọng cá nhân, cho dù bị oan nhưng ông không muốn minh oan, tìm cho mình lối giải thoát khỏi cõi trần.

 

Trước những thông tin hé lộ từ tài liệu của cố Chủ tịch tập đoàn Keang nam, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - hye đã tuyên bố yêu cầu điều tra và làm rõ toàn bộ các manh mối, không phân biệt bất cứ đối tượng nào và yêu cầu điều tra cả những người thân cận với bà có nghi vấn tham nhũng.

 

Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực (có nguy cơ tham nhũng cao) như thuế, hải quan, quốc phòng, các doanh nghiệp… có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng chống tham nhũng (trực thuộc Tổng thống) trong công tác điều tra phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

 

Cho dù là đất nước phát triển nhưng tình trạng tham nhũng vẫn luôn là nỗi bức xúc của xã hội, vì thế Hàn Quốc vẫn tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống luật pháp và củng cố bộ máy làm nhiệm vụ chống tham nhũng. Trước khi vụ việc Thủ tướng vừa từ chức (vì liên quan đến cáo buộc chống tham nhũng), ngày 3-3-2015, Hàn Quốc đã thông qua một Dự luật (bổ sung) phòng chống tham nhũng. Dự luật có những quy định rất cụ thể: ví dụ Dự luật nêu “người nào (người trong bộ máy nhà nước) nhận quà tặng (quà liên quan đến quan hệ công việc) có giá trị 1 triệu Won trở xuống (khoảng 900 USD) mức bị phạt tối đa gấp 5 lần giá trị tài sản đã nhận nộp cho Nhà nước.