Hoàng gia với nền chính trị và xã hội Anh

16:23, 06/05/2015

Công nương Kate là vợ của Hoàng tử William vừa sinh hạ một bé gái. Cung điện Bukingham và khắp nước Anh rực rỡ sắc hồng ánh đèn trang trí để chào đón một thành viên mới của Hoàng gia.

 Người Anh tổ chức ăn mừng, bày tỏ lòng chung vui với Hoàng tộc. Hàng trăm phóng viên của các hãng thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình chờ đón đưa tin về sự kiện này.

 

Vì sao một cháu bé mới ra đời lại được cả xã hội Anh quan tâm? Đó là sự tôn kính Hoàng gia và còn có một lý do đặc biệt là theo phong tục cha truyền con nối, bé gái mới sinh nghiễm nhiên nằm trong danh sách kế vị ngai vàng nước Anh (ta ngầm hiểu tâm lý người Anh là đón chờ một vị vua mới chào đời).

 

Nếu tìm hiểu về quá khứ của nước Anh sẽ cho ta những hiểu biết rất lý thú. Từ lịch sử xa xưa, Nhà nước quân chủ của chế độ phong kiến đã đưa nước Anh có những giai đoạn phát triển cực thịnh, những thành tựu rực rỡ của nước Anh hôm nay đều được đặt nền móng vững chắc từ quá khứ. Nhà nước quân chủ phong kiến, Nhà nước quân chủ lập hiến Anh không bị ràng buộc trong các lý thuyết giáo điều cai trị đất nước, họ đã giải phóng sức lao động, sức sáng tạo của thần dân, do đó những đóng góp của người Anh đã làm thay đổi cả thế giới. Quốc gia này là cái nôi văn minh của nhân loại, có rất nhiều nhà bác học lỗi lạc, chính trị gia nổi tiếng, nhà triết học, văn học, nghệ thuật, thiên văn, y học… trong nhiều thế kỷ là nhân tài đứng hàng đầu thế giới.

 

Cuộc cách mạng khoa học đầu tiên của loài người (thế kỷ 17) xuất phát từ Anh. Thế kỷ 18, Anh là quốc gia đầu tiên khởi sinh ra cách mạng công nghiệp. Nhờ nhiều phát minh vĩ đại ứng dụng vào sản xuất, đời sống nên nước Anh trở thành một quốc gia kỹ nghệ văn minh nhất, giàu có nhất  và trở thành một đế chế phong kiến hùng mạnh nhất thống trị thế giới từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.

 

Có những giai đoạn lịch sử người Anh chinh phục khắp các châu lục. Khoảng gần cuối thế kỷ 19, toàn thế giới có gần 1 tỷ người thì khoảng 500 triệu người thuộc hàng trăm quốc gia nằm dưới quyền quản lý của Hoàng gia Anh. Các quốc gia tự trị, các nước thuộc địa, lãnh thổ bảo hộ của Anh chiếm diện tích vô cùng rộng lớn với trên 33 triệu km2. Đại đế quốc Anh đã từng thống trị thế giới, vì thế từ thế kỷ 19 đã có câu “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”.

 

Từ xa xưa, xã hội Anh coi Hoàng tộc - Hoàng gia là thiêng liêng, tôn kính. Có thể trong tâm thức của các thế hệ người Anh luôn biết ơn và kiêu hãnh vì chế độ phong kiến quân chủ đã làm cho nước Anh huy hoàng và giàu mạnh. Mặc dù nước Anh là cái nôi công nghiệp của thế giới, kinh tế tư bản ra đời sớm nhất, nhưng chế độ quân chủ vẫn còn tồn tại đến ngày nay với thể chế quân chủ lập hiến ưu việt. Những thực thể chi phối nền chính trị Anh đó là Nhà vua - Quốc hội - Chính phủ - Tòa án. Nước Anh không giống các nhà nước quân chủ chuyên chế (đó là nhà vua nắm cả 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp).

 

Hiện nay, cả thế giới còn 44 quốc gia quân chủ (trong đó có quân chủ lập hiến và quân chủ chuyên chế) nhưng không có một vị vua nào sánh được với Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Bà là nguyên thủ của 16 quốc gia (bao gồm cả các quốc gia độc lập và các nước, vùng lãnh thổ trực thuộc). Nhiều cường quốc văn minh, giàu có nhưng vẫn trực thuộc sự cai quản của Nữ hoàng Anh. Điển hình như Canada là một nước công nghiệp phát triển trong nhóm G7, GDP đạt khoảng 1.400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 50 nghìn USD/năm. Nước Ôxtrâylia có GDP khoảng 1 nghìn tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người gần 60 nghìn USD/năm. Cả hai quốc gia này đều nằm trong Khối thịnh vượng chung thuộc Nữ Hoàng Anh. Đã nhiều lần hai nước đưa ra trưng cầu dân ý về việc xây dựng một quốc gia hoàn toàn độc lập nhưng hầu hết người dân Canada hay Ôxtrâylia đều bỏ phiếu đồng ý tiếp tục trực thuộc Nữ hoàng Anh (Toàn quyền là chức vụ Nữ hoàng bổ nhiệm, là người đại diện của nhà vua cai quản các nước đó). Qua kết quả trưng cầu dân ý ta có thể hiểu là người dân không muốn nước mình trở thành quốc gia độc lập với nhà vua Anh. Điều đó chứng tỏ vị thế thiêng liêng của Hoàng gia đối với các nước vốn từ lâu trực thuộc Nữ hoàng Anh.

 

Nước Anh hiện nay thuộc chế độ quân chủ lập hiến. Nữ hoàng Anh rất ít khi công khai can dự vào công việc của Chính phủ và Quốc hội. Nhưng Nữ hoàng vẫn là nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Anh. Nữ hoàng (có Hội đồng cố vấn khoảng 300 người) có quyền giải tán Quốc hội (trong trường hợp đặc biệt), ký kết các hiệp ước quốc tế, tuyên bố chiến tranh và ký quyết định bổ nhiệm Thủ tướng (sau khi Thủ tướng đắc cử), đó là các thủ tục theo quy định của luật pháp Anh.

 

Luật bất thành văn nhưng thành quy chế ràng buộc, theo định kỳ người đứng đầu hành pháp (Thủ tướng) mỗi tuần đều gặp gỡ Nữ hoàng Anh một lần để tham khảo ý kiến liên quan đến các vấn đề quan trọng như chính sách đối nội, đối ngoại…

 

Nước Anh còn có nhiều điểm rất đặc biệt. Hiến pháp, luật pháp Anh ra đời rất sớm, hiện nay hiến pháp của nhiều nước được xây dựng trên cơ sở tham khảo, vận dụng luật pháp của Anh (như Hoa Kỳ). Quốc hội Anh cũng có những đặc thù riêng, bao gồm Thượng viện (Viện Quý tộc), Hạ viện (Viện Thứ dân). Thượng viện bao gồm các thành viên quý tộc theo phong tục cha truyền con nối và đại diện các tôn giáo, ngoài ra còn một số thuộc thành viên được bổ nhiệm hoặc thông qua bầu cử. Thượng viện chỉ can dự vào những công việc lớn như việc sửa đổi Hiến pháp. Quyền lực của Quốc hội nước Anh chủ yếu nằm ở Hạ viện. Tuy nhiên ở tầm vĩ mô, Quốc hội Anh được chi phối bởi Vương quyền (nhà vua), Viện Quý tộc và Viện Thứ dân. Điều đó chứng tỏ nhà vua có quyền lực rất lớn trong lập pháp.

 

Từ xưa đến nay, Hoàng tộc và vua nước Anh đều được người dân Anh vô cùng kính trọng, không ai dám mạo phạm, họ được luật pháp và chính quyền bảo vệ đặc cách. Ai đến  nước Anh nếu được phép thăm Nữ hoàng đều nhất thiết phải tuân thủ theo các nghi thức quy định lễ phép bắt buộc trong giao tiếp (ví dụ như không được phép tự ý chạm tay vào người bà, không được đứng ở vị trí cao hơn, không được chủ động đưa tay để bắt tay bà…). Vì thế năm 2009, phu nhân Tổng thống Mỹ Obama là bà Michelle (tại Điện Bukingham) khi gặp gỡ Nữ hoàng Elizabeth II, bà Michelle đã ôm lấy Nữ hoàng (cử chỉ đó người Mỹ cho là thân thiện) nhưng dư luận người Anh lại cho rằng đó là hành động bất kính đối với Nữ Hoàng.