Sau khi xuất hiện hàng loạt cáo buộc cho rằng lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ quá lạm quyền trong việc sử dụng các thiết bị-khí tài quân sự, ngày 18/5, Tổng thống Barack Obama đã công bố kế hoạch theo đó cấm lực lượng cảnh sát nước này sở hữu các xe bọc thép, lưỡi lê, súng phóng lựu và các loại súng có nòng cỡ lớn.
Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm thành phố Camden, bang New Jersey, Tổng thống Obama đã thừa nhận một thực tế rằng việc lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ đôi khi lạm dụng các thiết bị quân sự khiến người dân cảm nhận đây là một "thế lực xâm lược" thay vì một lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ cộng đồng.
Do đó, chính quyền quyết định cấm các sĩ quan cảnh sát tiếp cận các thiết bị quân sự được sử dụng trên chiến trường với hy vọng giúp cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa lực lượng thực thi pháp luật và người dân.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn một báo cáo của Nhà Trắng cho hay quyết định trên được chính quyền Obama đưa ra nhằm giải tỏa những bức xúc trong xã hội liên quan tới cách hành xử của lực lượng cảnh sát nước này trong thời gian qua, đặc biệt là trong quá trình xử lý làn sóng biểu tình tại thành phố Baltimore, bang miền Đông Maryland và tại thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri.
Báo cáo dài 50 trang trình lên Tổng thống Obama cùng ngày này nêu rõ “tại nhiều thời điểm, các lực lượng thực thi luật pháp đã đáp trả các cuộc biểu tình với kiểu hành động như quân đội. Do đó, Tổng thống Obama sẽ hạn chế lực lượng cảnh sát tiếp cận các thiết bị-khí tài quân sự”.
Theo qui định mới, các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ sẽ bị cấm mặc một số loại quân phục, sử dụng các loại súng có cỡ nòng lớn hơn 50mm, súng phóng lựu và lưỡi lê. Chính quyền Obama cũng không cho phép cảnh sát sử dụng các xe bọc thép có thiết kế bánh giống xe tăng của quân đội và những phương tiện chống mìn khác (MRAP).
Tuy nhiên, trong một số tình huống cụ thể, cảnh sát Mỹ vẫn có thể dùng các xe bọc thép bánh lốp như Humvee, thiết bị bay không người lái và dùi cui chống bạo động. Nhà Trắng hy vọng biện pháp này sẽ góp phần “xây dựng niềm tin của dân chúng đối với lực lượng thực thi pháp luật, những người phải mạo hiểm tính mạng của họ hàng ngày, cũng như tạo niềm tin nơi các động đồng sắc tộc rằng họ được bảo vệ”.
Thời gian qua, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ biểu tình bạo động bắt nguồn từ việc các nhân viên thực thi pháp luật, chủ yếu là da trắng, bắn chết các công dân da màu không vũ trang. Theo luật pháp Mỹ, việc cảnh sát bắt chết một nghi can gây nguy hiểm cho cộng đồng hoặc nhân viên thực thi pháp luật là hành động chính đáng. Tuy nhiên, vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown hồi tháng 8/2014 và vụ thanh niên Freddie Gray tử vong sau 1 tuần bị cảnh sát giam giữ ở Baltimore đã thổi bùng lên làn sóng biểu tình bạo động tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Biểu tình thậm chí ngày càng leo thang sau khi cảnh sát bị cáo buộc sử dụng các biện pháp quá cứng rắn nhằm lập lại trật tự. Nhiều nhà hoạt động cáo buộc lực lượng cảnh sát Mỹ đã hành xử một cách phân biệt chủng tộc.
Các cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cho thấy sau khi bạo động nổ ra ở Baltimore, có 69% số người được hỏi nói rằng nước Mỹ đang đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc nghiêm trọng, gần 3/4 số người được hỏi cho rằng tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra thường xuyên hơn thực tế nước này thừa nhận. Sau vụ Baltimore, Tổng thống Obama cũng đã đề cập nhiều hơn tới vấn đề sắc tộc tại Mỹ, trong đó có bài diễn văn ở Bronx về việc tạo thêm nhiều cơ hội cho những thanh niên thuộc các cộng đồng thiểu số.