Nước Nga không bao giờ là chư hầu và sẽ là vô dụng nếu ai cố tình gây sức ép với Nga! đó là câu nói của Tổng thống Nga Putin tại cuộc đối thoại công khai thường niên trên truyền hình hồi tháng 4 vừa qua.
Câu nói của Putin mang ý nghĩa khẳng định nước Nga mãi mãi là cường quốc, không bao giờ lệ thuộc vào nước ngoài. Trong lịch sử phong kiến Vua của các cường quốc thường tự tôn xưng là Hoàng đế (vua của các vị vua) các nước nhỏ yếu lệ thuộc gọi là chư hầu chỉ xưng Vương).
Đầu 2014, Crimea trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraina và nhập vào nước Nga. Mỹ, Phương Tây và Chính quyền Ukraina coi sự kiện đó là do bàn tay đạo diễn của người Nga. Vì thế nước Nga bị các nước Phương Tây trừng phạt kinh tế, cấm vận các lĩnh vực vốn là thế mạnh của Nga như năng lượng, tài chính, phong tỏa tài khoản một loạt các cá nhân, tập thể của Nga ở nước ngoài...
Những thời điểm nước Nga rơi vào tình thế bị trừng phạt, nhiều chuyên gia Phương Tây cho rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ. "Họa vô đơn chí", lúc đó cũng là giai đoạn giá dầu thị trường thế giới biến động mạnh, tụt dốc kỷ lục, nước Nga mất đi một nguồn thu rất lớn (xuất khẩu dầu vốn là nguồn thu chính).
Dự báo được những khó khăn phải đối mặt, Nga đã đưa ra nhiều giải pháp tự vệ chống lại cấm vận, cơ cấu lại nền kinh tế và một số khu vực sản xuất để không lệ thuộc vào Phương Tây. Các biện pháp ngăn chặn kinh tế tụt dốc, chống khủng hoảng đã phát huy được hiệu quả. Nga đã vượt qua thời điểm đen tối nhất, có những lúc đồng Rúp mất giá đến 46%.
Từ khi bị trừng phạt đến nay, nền kinh tế Nga bị thiệt hại khoảng 160 tỷ USD (GDP của nước Nga năm 2014 đạt khoảng 2.000 tỷ USD), châu Âu thiệt hại khoảng 25 tỷ USD. Châu Âu vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, năm 2013 thời điểm chưa trừng phạt kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 135 tỷ USD.
Khi dự báo kinh tế Nga sụp đổ, Phương Tây đã không đánh giá đúng tiềm lực, sức mạnh và khả năng tự vệ của nước này. Nga có nguồn dự trữ ngoại tệ rất lớn, nguồn lực tạo ra cơ sở vật chất rất dồi dào...
Mới đây Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo năm 2015 kinh tế Nga suy giảm 3,5%, năm 2016 sẽ tăng khoảng 0,2%. Trong 3 tháng đầu năm thực tế chỉ giảm khoảng 2%. Phía Nga dự báo kinh tế chỉ suy giảm 2,8%.
Tín hiệu tốt nhất cho nền kinh tế Nga đó là đồng Rúp đã tăng giá trở lại rất nhanh. Tại thời điểm cách đây nửa năm 79 Rúp đổi được 1 USD, hiện nay 50 Rúp đổi 1 USD. Nhiều doanh nghiệp Nga vốn lệ thuộc vào vật tư, thiết bị Phương Tây vẫn duy trì được sản xuất và trả các khoản vay vốn nước ngoài đúng kỳ hạn hàng trăm tỷ USD.
Đã nhiều lần Tổng thống Putin tuyên bố cứng rắn thách thức lại mọi sự cấm vận của Phương Tây, ông và nước Nga đã chứng minh được điều đó. Dư luận cho rằng: Cái giá mà nước Nga phải chịu do trừng phạt kinh tế chỉ là chuyện nhỏ so với việc nước Nga đã lấy được Crimea - một sự khôn ngoan của Putin tận dụng cơ hội lịch sử lấy lại được vùng đất có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng về kinh tế, quân sự. Vì thế, cho dù kinh tế Nga sa sút nhưng uy tín của Tổng thống Nga vẫn ngày càng cao.