Trách nhiệm hòa bình của liên quân Mỹ - Nhật

07:56, 09/05/2015

Ngay sau khi được công bố (ngày 27-4-2015, nhân chuyến công du Washington của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe), bản Phương châm phòng thủ mới Mỹ – Nhật đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy cũng ra đời trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng tính chất "cho - nhận" của liên minh Mỹ – Nhật rõ ràng hơn nhiều so với các tổ chức quân sự do Mỹ chủ trì như NATO, SEATO, ANZUS, hay các liên minh an ninh Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Thái Lan v.v. Theo hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật năm 1951 (ký tại San Francisco), Mỹ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Nhật Bản, đổi lại Nhật Bản sẽ cung cấp một phần kinh phí (khoảng 1% GDP của Nhật). Sự mất cân bằng này đã khiến liên minh quân sự Mỹ – Nhật mang đậm chất phòng thủ, và vì thế, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, liên minh này hầu như không có đất để dụng võ do hầu như không có bất kể một nguy cơ rõ ràng nào đe dọa tới an ninh của Nhật Bản.

 

Sự lớn mạnh của Nhật Bản trong khi khả năng của Mỹ suy giảm dần đã buộc hai nước phải có những điều chỉnh nhất định trong phương thức hợp tác quốc phòng. Mặc dù vậy, qua cả hai lần điều chỉnh năm 1978 và 1997, tuy có thay đổi nhất định nhưng trách nhiệm của Nhật Bản vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi hạn chế. Ngay cả trong phương châm phòng thủ năm 1997, quyền hạn của lực lượng phòng vệ Nhật Bản có mở rộng về không gian địa lý vượt ra ngoài bốn hòn đảo lớn sang “khu vực chung quanh Nhật Bản” nhưng cũng chỉ giới hạn trong những hoạt động hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ hay cứu trợ và rà phá bom mìn. Xét trên nhiều phương diện, qua hai lần điều chỉnh này tính chất “thụ động” của liên minh Mỹ - Nhật vẫn không thay đổi là bao, và có lẽ vì thế, chúng chỉ gây ồn ào trong khu vực ở mức độ thấp.

 

Cũng như những lần điều chỉnh trước, Phương châm phòng thủ mới 2015 là kết quả đến từ sự thay đổi của Nhật Bản là trước hết. Sự khác biệt của lần này là quyết tâm "đưa Nhật Bản trở lại bình thường" của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe để sẵn sàng đảm nhận một vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình và ổn định không chỉ tại khu vực mà còn trên thế giới. Phương châm phòng thủ mới được Tokyo nhìn nhận như là một trong những bước đi nhằm đưa Nhật Bản trở lại trạng thái “bình thường”.

 

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Obama cũng muốn có sự thay đổi theo chiều hướng cân bằng hơn trong hợp tác quốc phòng với Nhật Bản nhằm phục vụ cho chính sách chuyển trọng tâm về châu Á – Thái Bình Dương (còn gọi là chính sách “xoay trục về châu Á”). Hiện tại, có quá nhiều nguy cơ, từ tranh chấp biển, đảo tới khủng bố quốc tế, từ thiên tai, dịch bệnh tới tội phạm công nghệ cao v.v., phần lớn trong số chúng đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và đe dọa trực tiếp tới an ninh của cả Mỹ và Nhật Bản. Với khả năng có hạn, việc chấp nhận san sẻ trách nhiệm với Nhật Bản là cách tốt nhất để người Mỹ có thể đối phó hiệu quả với những nguy cơ an ninh này.

 

Như vậy, cũng giống như việc các quốc gia khu vực tăng chi phí quốc phòng trong thời gian qua, hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật có sự thay đổi âu cũng là lẽ rất thường tình, thậm chí còn bị coi là muộn màng bởi nó đến sau những 18 năm. Tuy nhiên, với tư cách là hai cường quốc hàng đầu tại khu vực cộng với quyết tâm thể hiện vai trò tích cực hơn trong các vấn đề an ninh của khu vực, âm hưởng của “Phương châm phòng thủ mới 2015” lớn hơn nhiều trong so sánh với hai lần trước. Điều này, trước hết được chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida hôm 27-4-2015, “Phương châm phòng thủ mới là một thay đổi lịch sử”.

 

Sự thay đổi gây chú ý nhất trong “Phương châm phòng thủ mới” 2015 có lẽ là nội dung về hình thức hợp tác quốc phòng mới giữa Mỹ và Nhật Bản theo hướng tích cực và cân bằng hơn. Trước những nội dung của “Phương châm phòng thủ mới” như : “Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trước bất kỳ mối đe dọa nào nhắm vào Nhật Bản, bao gồm cả những lãnh thổ mà nước này đang trực tiếp quản lý”, hay “lực lượng Nhật được phép hỗ trợ quân đội Mỹ khi bị tấn công bên ngoài lãnh thổ” v.v., một số ý kiến quan ngại rằng, sự thay đổi lần này sẽ càng khiến cho tình hình khu vực thêm phức tạp. Đặc biệt, một số nước đang có vấn đề tranh chấp biển, đảo hay những tì vết trong quá khứ quan hệ với Nhật Bản như Hàn Quốc, Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên lại càng có lý do để phải lo lắng về một sự kết hợp mới giữa nước Nhật “bình thường” và nước Mỹ “xoay trục về châu Á”.

 

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào mức độ nguy hiểm và nan giải của những nguy cơ an ninh cũng như các mối quan hệ đan xen phức tạp hiện nay tại khu vực, thì Phương châm phòng thủ mới phản ánh mục tiêu của Mỹ và Nhật Bản hướng tới hòa bình và ổn định khu vực hơn là việc sử dụng nó để gây tổn hại cho các nước khác.

 

Thoạt nhìn, dù có điều chỉnh nhưng liên minh Mỹ - Nhật có vẻ vẫn giữ nguyên tính chất phòng thủ, tức là nếu không có sự đe dọa trực tiếp tới an ninh của Nhật Bản thì liên minh Mỹ - Nhật vẫn “án binh bất động như xưa”. Nhưng giờ đây, do khái niệm “đe dọa trực tiếp” đã thay đổi theo hướng “nếu tính mạng của công dân Nhật bị đe dọa ở bất cứ đâu”, và nhất là nó lại được đặt trong bối cảnh Nhật Bản đã khôi phục lại “quyền tự vệ tập thể toàn diện”, nên tính “răn đe” của liên minh Mỹ - Nhật lại tăng lên nhiều. Khả năng răn đe của liên minh còn được củng cố bởi việc “Phương châm phòng thủ mới” nhấn mạnh đến 3 nguyên tắc cơ bản để giải quyết những bất đồng, tranh chấp hiện nay (tôn trọng luật pháp quốc tế; không sử dụng vũ lực; chỉ thông qua các biện pháp hòa bình) chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực.

 

Hơn thế, khi mà cả Mỹ và Nhật Bản đều mong muốn đóng góp tích cực hơn trong việc kiến tạo hòa bình và thịnh vượng của khu vực thì chắc chắn liên minh Mỹ - Nhật sẽ không còn thụ động như trước. Đơn cử như từ phía Nhật Bản, chính sách “hòa bình tích cực” của Tokyo thể hiện qua cam kết: "Chúng ta phải làm cho các vùng biển rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương thành những vùng biển của hòa bình và tự do, nơi mà tất cả các bên phải tuân thủ pháp luật" cho thấy, khả năng liên minh Mỹ - Nhật được viện dẫn là rất cao, trước hết trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không quốc tế.

 

Ngoài ra, việc Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng cũng còn giúp kích hoạt những tiến trình hòa bình khác. Đơn cử như ngay sau khi công bố “Phương châm phòng thủ mới”, trong tuyên bố chung tại Washington ngày 27-4-2015,, Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe khẳng định sẽ cố gắng hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những vấn đề còn nhiều bất đồng giữa hai nước, ngay trong năm 2015 này. Ngay sau khi rời Washington, ngày 27-4-2015,, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida đã có chuyến viếng thăm La Habana (Cuba), tại đây ông khẳng định, ngoài mục đích muốn thúc đẩy quan hệ Nhật – Cuba lên một tầm cao mới thì Nhật Bản còn muồn góp phần đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba.

 

Đương nhiên, để Phương châm phòng thủ Mỹ - Nhật 2015 thực sự trở thành công cụ kiến tạo hòa bình hiệu quả thì ngoài trách nhiệm của Mỹ và Nhật Bản, nhận thức đúng về vai trò của nó từ phía các nước trong khu vực cũng là điều kiện không thể thiếu.