Dửng dưng gia nhập, chẳng buồn nếu rời khỏi G7

09:07, 11/06/2015

Có thể sẽ không còn G8 nếu tảy chay Nga ra khỏi tổ chức này. Vị thế G7 không còn như trước đây, vì các nước mới nổi trong nhóm BRICS (Brazin, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Nam Phi) ngày càng có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, chính trị, an ninh thế giới.

Người ta nói rằng vai trò của G20 - gồm 19 nền kinh tế lớn cùng với Liên minh châu Âu (G7 nằm trong đó) đang lấn át G7. Tuy nhiên trong vài thập niên tới khó có nhóm nước nào thay thế được G7, vì họ vẫn nắm giữ sức mạnh chi phối toàn cầu về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật... G7 gồm các cường quốc công nghiệp phát triển, nền kỹ nghệ đứng đầu thế giới trong rất nhiều lĩnh vực. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% dân số thế giới nhưng họ chiếm trên 60% GDP và 2/3 lượng mậu dịch toàn cầu.

 

Từ xưa đến nay dường như chưa có cuộc họp thượng đỉnh nào của nhóm G7 lại có nhiều nội dung "nóng" đặt lên bàn nghị sự như kỳ họp lần này, đó là các vấn đề về kinh tế, chính trị, an ninh, xung đột khu vực, khủng bố, bệnh dịch, môi trường. G7 vốn là tổ chức đa quốc gia, mục đích của sự liên kết này chủ yếu tìm sự đồng nhất trong việc giải quyết các vấn đề về kinh tế của các nước trong nhóm và của thế giới. Nhưng đến nay các hội nghị không chỉ đơn thuần bàn về vấn đề kinh tế, tài chính, thậm chí có những hội nghị các nội dung phi kinh tế đã lấn át chương trình.

 

Trong hai ngày 7 và 8-6, G7 tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Đức để bàn về kinh tế, nội chiến ở Ukraina, nợ công của Hy Lạp, chống khủng bố, môi trường, biến đổi khí hậu... Hội nghị kêu gọi các nước tuân thủ trật tự an toàn trên các vùng biển, giải quyết những tranh chấp phải dựa vào luật pháp quốc tế, phản đối hành động hăm dọa, sử dụng vũ lực tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Hội nghị tỏ ra hết sức quan ngại khi Trung Quốc xây nhiều đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở Biển Đông...

 

Vấn đề quan hệ với Nga và việc tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Năm 2014, khu vực Crimea của Ukraina trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, Mỹ và phương Tây cho rằng đó là sự đạo diễn của Nga. Vì thế các nước G7 đã tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G8 (bao gồm cả Nga) lẽ ra được tổ chức vào tháng 6-2014 tại Sochi (Nga), vì thế sau đó Hội nghị chuyển sang họp ở Brussels (Bỉ). Tại thời điểm đó Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói: "G8 không phải là câu lạc bộ cấp cho bạn thẻ thành viên, nên cũng không có ai bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ  đó"; "chúng tôi chẳng cố bám víu vào G7 làm gì". Những câu nói của vị Ngoại trưởng có hàm ý  G7  thực chất không có gì quan trọng đối với Nga, trước đây Nga cũng không mặn mà với tổ chức này. 

 

Trong thực tế, Nga có mặt trong nhóm G8 cũng có những bất lợi cho nhóm này, vì quan điểm của Nga về nhiều vấn đề quốc tế khác với các thành viên còn lại. Nga không thực sự nằm trong nhóm lợi ích, cho dù Nga đã nhiều năm nằm trong G8. 

 

Kỳ họp G7 lần này họ cũng không mời Nga tham dự vì cho rằng Nga vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho phe ly khai ở Ukraina, không tuân thủ Thỏa thuận Minsk về việc ngừng bắn giữa đại diện chính quyền Ukraina và quân ly khai (trước lúc diễn ra kỳ họp G7, cuộc chiến xảy ra dữ dội làm khoảng 400 binh sĩ Ukraina và hàng trăm dân thường thiệt mạng). Theo dư luận nhận định, có một số nước muốn tẩy chay Nga vĩnh viễn ra khỏi tổ chức này như Mỹ, Anh, Canada, nhưng nhiều nước vẫn muốn giữ Nga ở lại như Đức, Nhật, Pháp (có nhiều quan hệ, đối tác kinh tế với Nga). Rất có thể Mỹ vẫn muốn duy trì G8, vì Nga là một cường quốc có sức ảnh hưởng rất lớn trên trường quốc tế. Để giải quyết các vấn đề nổi cộm hiện nay khó có thể thiếu vai trò của Nga, như vấn đề nội chiến Syria, hạt nhân Iran, vấn đề phối hợp chống khủng bố...

 

Người Nga có thế mạnh riêng, năm 2008 khi quân đội Gruzia tiến đánh hai vùng đất ly khai là Ossetia và Abkhazia (có nhiều kiều dân Nga) với danh nghĩa bảo vệ kiều dân, Nga đã mở cuộc tấn công chớp nhoáng (huy động 20 nghìn quân và 1 nghìn xe tăng) tiến đánh quân đội chính phủ Gruzia. Mỹ và phương Tây phản đối dữ dội, cho rằng Nga vi phạm luật pháp quốc tế, tuy nhiên đến nay hai vùng đất ly khai này đã tuyên bố độc lập. Không chỉ có Nga công nhận mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận họ là quốc gia riêng không nằm trong Gruzia.

 

Sự kiện Gruzia cũng đã từng gây chia rẽ quan điểm giữa các quốc gia châu Âu và giữa châu Âu với đồng minh Hoa Kỳ. Nước Nga bị Mỹ và Tây Âu phản đối kịch liệt, cho rằng Nga vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng sau đó vì lợi ích của nhóm họ đã nối lại các quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với Nga.